Mô hình trồng khoai tây chất lượng cao
(Thị trường tài chính) - Vụ Đông 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình sản xuất khoai tây giống mới trên đất hai lúa. Đánh giá bước đầu cho thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực.
Hỗ trợ sát sườn cho nông dân
Theo thống kê, huyện Mê Linh có hơn 8.000ha đất trồng lúa. Bà con nông dân nơi đây có truyền thống sản xuất hai vụ lúa mỗi năm, trong khi diện tích gieo trồng cây vụ Đông hằng năm chưa nhiều. Phương thức canh tác vẫn chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế mang lại còn hạn chế.
Với mục tiêu không để đất nông nghiệp bỏ hoang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê linh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu tại xứ đồng Bãi Đường, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh).
Trưởng phòng Kỹ thuật dịch vụ Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh) Nguyễn Thị Oanh cho biết, trên cơ sở các điều kiện cần, đơn vị đã lựa chọn Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bồng Mạc (xã Liên Mạc) tham gia mô hình sản xuất khoai tây giống mới vụ Đông trên đất hai lúa. Quy mô thực hiện 10ha, với sự tham gia của 151 hộ dân là thành viên hợp tác xã.
7,5 tấn khoai tây giống Jelly đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cung cấp hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình theo đúng định mức của dự toán. Giống khoai tây Jelly cũng được đánh giá là bảo đảm quy cách và chất lượng theo yêu cầu của mô hình.
Bên cạnh giống khoai tây mới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn cấp hỗ trợ hàng chục tấn phân bón (đạm, lân, kali, urê), phân hữu cơ vi sinh và vôi bột cho các hộ sản xuất. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh cũng cấp hỗ trợ các thành viên hợp tác xã 1.500 chai thuốc trừ bệnh sinh học để chống bệnh héo xanh…
Đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bồng Mạc Tạ Hồng Lý, trong quá trình tham gia mô hình sản xuất khoai tây giống mới trên đất hai lúa, các hộ dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội theo dõi sát sao, hướng dẫn tận tình các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
“Vừa qua, hợp tác xã phối hợp với hai trung tâm tiến hành nghiệm thu mô hình. Dù chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi (sau khi trồng gặp mưa lớn rồi hanh khô), tuy nhiên khoai tây giống mới Jelly vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến, năng suất khoai tây có thể đạt khoảng 18,6 tấn/ha” - ông Tạ Hồng Lý chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho biết, qua hạch toán kinh tế, chi phí sản xuất khoai tây giống mới Jelly thấp hơn so với giống đối chứng Marabel (do giá giống thấp hơn); song lại cho năng suất cao hơn 1,4 tấn/ha (tương ứng 8,1%). Tỷ lệ khoai loại 1 cao hơn khoảng 10%. Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gần 26,5 triệu đồng/ha.
“Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình sản xuất khoai tây giống mới Jelly đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm rau củ cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Đây cũng được xem là hướng đi mới cho bà con trong xã Liên Mạc nói riêng, huyện Mê Linh nói chung trong việc mở rộng diện tích cây vụ Đông, không để lãng phí tư liệu sản xuất” - bà Chinh cho hay.
Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh đề nghị Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, UBND huyện Mê Linh bổ sung giống khoai tây Jelly vào cơ cấu giống khoai tây của TP. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu cho nhiều địa phương khác.
Cùng với tích cực triển khai các mô hình khuyến nông mới, nhiều hộ gia đình, chủ trang trại trên địa bàn huyện Mê Linh đã được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội và sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Chỉ tính riêng năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân vốn Quỹ Khuyến nông cho 5 trường hợp, với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Trong số này có 4 hộ vay vốn cơ giới hóa với số tiền 1,9 tỷ đồng; 1 hộ vay vốn sản xuất lĩnh vực chăn nuôi là 500 triệu đồng.