HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kỷ lục gạo Việt

Ánh Ngọc

Thitruongtaichinh - Gạo Việt đắt giá và ngon nhất thế giới là niềm tự hào của đất nước, niềm vui của nhiều DN xuất khẩu và hàng triệu nông dân Việt Nam. Thương hiệu Gạo Việt tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Lập đỉnh lịch sử về kim ngạch và giá

Năm 2023, ngược dòng với nhiều nhóm hàng của ngành nông nghiệp, mặt hàng gạo thắng đậm chưa từng có khi vượt qua tất cả các dự báo và mục tiêu đặt ra hồi đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 cán đích 8,1 triệu tấn, tương ứng 4,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2022. Con số này giúp ngành gạo lập kỷ lục lịch sử về kim ngạch xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay. Giá gạo 5% tấm của nước ta cũng lập đỉnh lịch sử khi tăng từ 473 USD/tấn lên mốc 688 USD/tấn (tháng 12/2023). Theo đó, gạo Việt có mức giá đắt nhất so với giá hàng cùng loại của các quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới như Thái Lan.

Xuất khẩu gạo ngon cũng là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất cũng như chất lượng hạt gạo quê hương. Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở việc cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Hình ảnh chính là thương hiệu Gạo Việt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Không chỉ đón tin vui về kim ngạch và giá gạo xuất khẩu, gạo Việt Nam còn đạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai gạo ST25 đạt giải nhất tại cuộc thi này. Việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, vài năm trở lại đây, ST25 là một trong những loại gạo chất lượng cao nổi tiếng của Việt Nam, được người tiêu dùng nội địa và thế giới ưa chuộng. Năm ngoái, món cơm chiên sử dụng gạo ST25 của Việt Nam đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Loại gạo này được giới thiệu là gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, DN Việt phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, cùng yêu cầu rất cao của người tiêu dùng nước này. Từ đó cho thấy, Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường khó tính về chất lượng như Nhật Bản.

Giá gạo ST25 xuất sang Nhật Bản là hơn 1.200 USD/tấn. Các nhà phân phối đặt vấn đề muốn mua khoảng 1.000 tấn gạo/năm để tăng quy mô bán lẻ đến các siêu thị. Năm 2023, Công ty QTOrganic cũng xuất khẩu sang thị trường Đức một lô gạo hữu cơ ST25 với giá 1.800 USD/tấn, là mức giá cao hiếm thấy đối với gạo Việt xuất khẩu.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, thị trường Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38,5% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch đạt 3,1 triệu tấn, tương đương 1,75 tỷ USD, giảm 2% về lượng nhưng tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tại Philippines, gạo Việt có nhiều lợi thế như phẩm chất phù hợp cho người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, giá cả cạnh tranh. Các DN Việt cũng có mối quan hệ lâu năm với đối tác nhập khẩu tại đây, hai nước lại gần nhau về địa lý nên vận chuyển khá thuận lợi.

Thị trường Indonesia đứng thứ hai về tiêu thụ gạo Việt Nam, chiếm hơn 14%. Xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 1,1 triệu tấn, tương ứng 640 triệu USD, tăng 878% về lượng và tăng 992% về giá trị so với năm 2022. Đây là thị trường có mức độ tăng trưởng mạnh nhất. Đứng thứ ba là thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 11%. Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 917.000 tấn, tương ứng 530 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu lượng lớn gạo cho các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana…

Xuất khẩu gạo ngon gắn với tăng trưởng xanh

Năm 2023 ngành lúa gạo cũng nhận tin vui khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Mục tiêu đề án là đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 500.000ha, tương ứng 1 triệu hecta gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (3,8 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Đến năm 2030, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1 triệu hecta, tương ứng 2 triệu hecta gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn lúa (7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%.

Nói về đề án, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long là nội dung mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; đồng thời bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh.

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận, khi Việt Nam công bố về đề án, lập tức thế giới tính toán ngay 1 triệu hecta này sẽ đem lại khoảng 9 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu trong một năm. Nguồn gạo chất lượng cao này sẽ góp phần nâng cao năng lực canh tranh của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Bởi, muốn giành được thị phần, gạo Việt Nam phải cạnh tranh được bằng giá, bằng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng thương hiệu và uy tín. Thậm chí, khi có gạo chất lượng cao, DN Việt có quyền lựa chọn thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo năm 2024 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu. Chia sẻ về tín hiệu thị trường nửa đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam nhận định, tình hình tiếp tục thuận lợi. Do đó, Hiệp hội đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Ông Đỗ Hà Nam cũng khuyến cáo, các DN, hợp tác xã và người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

Bám sát diễn biến giá lúa gạo thế giới và luôn sẵn sàng nguồn hàng xuất khẩu những tháng đầu năm 2024, nhiều DN xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết bền vững với nông dân, bạn hàng, đối tác để ổn định về mặt nguyên liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đảm bảo duy trì ổn định cho hoạt động thu mua, sản xuất và tiêu thụ cả khi thị trường biến động liên tục.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam

Ý kiến bạn đọc