HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng, dự kiến đạt 6,52%

Thanh Hải - Thủy Tiên

Kinh tế - xã hội năm 2024 của Thủ đô Hà Nội đạt kết quả khá toàn diện, hiệu quả: 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và vượt so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Sáng 9/12, tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 120,5%

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư. Với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt và phù hợp với thực tiễn của Thành phố.

Kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%) - quy mô GRDP khoảng 58 tỷ USD.

Đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng thu NSNN ước đạt 120,5% dự toán (khoảng 492.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt khoảng 462.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93,8% trong tổng thu ngân sách. Thực hiện hiệu quả các chính sách tài chính, tín dụng trên địa bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 16,7%; kim gạch nhập khẩu 41,1 tỷ USD, tăng 9,6%; thu hút đầu tư nước ngoài dự kiến đạt trên 2 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt gần 549.000 tỷ đồng, tăng 10,5%.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp. 
Các đại biểu tham dự Kỳ họp.

Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng: Công nghiệp và Xây dựng tăng 6,21%; Nông nghiệp tăng 2,52%, Dịch vụ tăng 7,14%. Số DN đăng ký thành lập mới trên 27.000 DN, tổng vốn đăng ký trên 276.000 tỷ đồng, lũy kế đến nay toàn Thành phố có trên 401.000 DN.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 881.000 tỷ đồng, tăng 10,5%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4,2 - 4,6%.

Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP tổ chức thành công các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô - Dấu ấn sâu đậm trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế với 3 sự kiện lớn: “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Hội thảo khoa học cấp quốc gia và 35 hoạt động có ý nghĩa đã mang lại nhiều ấn tượng, cảm xúc trong lòng người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước và bạn bè quốc tế nói chung.

Đón nhận 3 giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu châu Á” và “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” do tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tại Hà Nội.

Đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. 
Đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI.

An sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo đời sống cho Nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Giải quyết việc làm cho hơn 196.000 lao động, đạt 118,9% kế hoạch năm. Chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với người có công và nhân thân (hơn 2.000 tỷ đồng). Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm (98,9% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới, năm 2023 đạt 84,3%)); Ủy thác gần 10.000 tỷ đồng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96.000 hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... Hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thành phố đã chú trọng khai thác và phát huy tiềm lực trí tuệ, đặc biệt là “chất xám” của đội ngũ trí thức, đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển Thủ đô. Hệ sinh thái giáo dục và nghiên cứu phát triển mạnh với 124 cơ sở giáo dục đại học, 113 viện nghiên cứu và 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao; hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, vành đai, các nút giao thông cửa ngõ… gắn với phát triển đô thị; công tác quản lý trật tự xây dựng được tăng cường.

Thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu, duy trì và vận hành ổn định hệ thống thoát nước và các nhà máy/trạm xử lý nước thải. tập trung triển khai xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 1/12/2024, Hà Nội vận hành thử nghiệm Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá - đánh dấu bước tiến quan trọng trong hồi sinh sông Tô Lịch.

Đã triển khai mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm); dự kiến quý I/2025, sẽ nhân rộng thực hiện trên toàn địa bàn Thành phố.

Tiếp tục phát triển nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư: Đã có 30 dự án hoàn thành với khoảng 1,7 triệu m2 sàn; 69 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Có 25 dự án khoảng gần 12.000 căn hộ tái định cư, đã bố trí tái định cư cho các dự án giải phóng mặt bằng khoảng 62 - 96% trên tổng số các quỹ nhà tái định cư.

TP Hà Nội tiên phong trong Đề án 06 và chuyển đổi số, thí điểm thành công để báo cáo Thủ tướng Chính Phủ “bấm nút” triển khai sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID trên toàn quốc vào ngày 2/10/2024

Triển khai thí điểm thành công, hiệu quả nhiều tiện ích số, như ứng dụng tìm kiếm và thanh toán bãi đỗ xe thông minh, không tiền mặt, và nền tảng “iHanoi” - cầu nối giữa chính quyền và người dân Thủ đô...

Ngày 6/12/2024, Khai trương Trung tâm Dữ liệu nhà nước Thành phố, thiết lập xong hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính và hoàn thành di trú hơn 300 hệ thống ứng dụng hiện có của thành phố lên hạ tầng mới với hiệu suất, linh hoạt cao.

Xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nhấn mạnh, với quyết tâm tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của đất nước đang bước vào Kỷ nguyên mới. Đặc biệt là quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới.

Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI. 
Toàn cảnh Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI.

UBND TP Hà Nội đề ra phương hướng phát triển năm 2025, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng các khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học; hạ tầng khung các thành phố thuộc Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, an toàn cho người dân Thủ đô.

Thể chế hóa Luật thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch theo phương châm thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - tư tưởng thông suốt với văn hóa soi đường và nhân tài dẫn lối”. Xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng văn hóa số.

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, phân cấp ủy quyền, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của Trung ương và các nội dung mới trong Luật Thủ đô sửa đổi để tạo sự phát triển tăng tốc, bứt phá.

Tiếp tục thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử và Chỉ thị 30 của Thành ủy về tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Trên tinh thần đó, năm 2025, Thành phố tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế đô thị…

Tiếp tục thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tập trung hoàn thiện 114 nhiệm vụ. Triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, triển khai cụ thể bằng các nhiệm vụ, chương trình, dự án, công trình cụ thể gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài sản công (và các nguồn lực mới: tài nguyên nhân văn, tài nguyên số…).

Ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị nhằm tạo diện mạo phát triển mới của Thủ đô “xanh, sạch, đẹp, thông minh”.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, tập trung nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải đô thị; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường dòng các sông; xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, trong đó trước mắ tưu tiên tập trung xử lý môi trường sông Tô lịch, đảm bảo “sạch, sáng”, phấn đấu hoàn thành vào ngày 2/9/2025.

Đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ; Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của Thành phố; Tiếp tục rà soát các quy trình, thủ tục theo hướng đồng bộ, tinh gọn, liên thông…. Đẩy mạnh số hóa dữ liệu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực văn hóa, xã hội; tăng cường đào tạo nhân lực CNTT, nâng cao hiệu quả quản trị số.

Đẩy mạnh triển khai 19 mô hình và triển khai hiệu quả 9 mô hình mới Thành phố đã ký kết với Tổ Đề án 06 của Chính phủ; đẩy mạnh chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột “chính quyền số - kinh tế số - xã hội số” và 2 nền tảng “dữ liệu số - văn hóa số”, đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng và nâng cao xây dựng văn hóa số trên không gian mạng.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện công tác tổng kết Nghị quyết số 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy với phương châm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, con người. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng và phát triển thành phố thông minh...

TP Hà Nội quyết liệt phòng, chống tiêu cực, lãng phí. Tập trung giải quyết triệt để lãng phí đất đai, tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án chậm triển khai vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Đảm bảo các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, quốc tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng…