Kinh tế Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau 70 năm
Giaothonghanoi - 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã trải qua những chặng đường lịch sử oai hùng và có nhiều bước tiến quan trọng. Từ một thành phố chịu nhiều tổn thương, giờ đây, Hà Nội đã vươn lên thành một trong những đô thị lớn của khu vực, với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.
Quy mô kinh tế liên tục tăng, năm 2023 đạt khoảng 54 tỷ USD; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì ở mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Chỉ tính riêng năm 2023, thu ngân sách đạt trên 400 ngàn tỷ đồng, đóng góp 23,4% tổng thu ngân sách Trung ương.
Đời sống người dân không ngừng được nâng cao; năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 6.348USD, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,03%, trong đó 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội luôn là địa phương có chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục và đào tạo đứng đầu cả nước.
Tăng cường liên kết với các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; cùng với quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 TP, thủ đô của các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; Hà Nội tham gia với trách nhiệm cao và đảm nhiệm những cương vị quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trên trường quốc tế.
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực.
Theo Chương trình Chuyển đổi số của TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng; giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…
TP cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tiêu biểu như các dự án trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc; Trung tâm ươm tạo và đào tạo công nghệ cao…
Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu phát triển cho kinh tế Thủ đô. Và mới đây, Luật Thủ đô năm 2024 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 28/6/2024 là điều kiện rất thuận lợi để Thủ đô Hà Nội phát triển, trong đó có những quy định phân cấp mạnh mẽ, trao cho Hà Nội những cơ chế, chính sách, quyền hạn đặc thù, vượt trội. Cùng với đó, là cơ chế, chính sách, khuyến khích cán bộ, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng bày tỏ, Hà Nội nên có mô hình “vòng tròn lan tỏa” để phát triển kinh tế. Lấy công nghiệp gắn với nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... nhằm bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển. “Để làm được, Hà Nội nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực, đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề. Nhất định phải lấy sự sống an lành - xanh sạch - hạnh phúc - mức sống tốt nhất cho người dân Hà Nội làm mục tiêu phát triển, từ đó làm hình mẫu để phát triển ra cả nước” - Chủ tịch HANSIBA góp ý.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Văn Hoạt cho rằng, để Hà Nội ngày càng phát triển, thì định hướng phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực phải đi đầu các xu hướng phát triển của thời đại là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Các xu hướng này được phát triển dựa trên cơ sở chuyển đổi số, hình thành trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh, phát triển một hệ thống hạ tầng thông minh đồng bộ cùng với thiết lập một hệ sinh thái cho phát triển kinh tế số - xanh – tuần hoàn và chia sẻ. Đây không chỉ là yêu cầu mà còn là con đường giúp cho Hà Nội có thể tạo ra những bứt phá phát triển mạnh mẽ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế Thủ đô trên cơ sở phát triển các hoạt động thương mại, các dịch vụ đô thị, dịch vụ công và kinh tế ban đêm gắn với phát triển du lịch. Kinh tế đô thị tạo nên nguồn lực, tạo sự hấp dẫn và cơ hội thu hút đầu tư, việc làm và tạo nên sức mạnh kinh tế của đô thị.
Theo UBND TP Hà Nội, TP phấn đấu giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm 65,17% trong tổng GRDP của TP. Mục tiêu chung TP đưa ra là đẩy mạnh thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng cao, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP; góp phần xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại, trung tâm giao dịch quốc tế, là động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.