Giải mã 'vũ khí' bí mật giúp Temu làm mưa làm gió trên đất Mỹ, trở thành thách thức lớn nhất mà Amazon phải đối mặt trong nhiều năm qua
(Thị trường tài chính) - Thương mại điện tử Mỹ đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt khi "tân binh" Temu - nền tảng được hậu thuẫn bởi tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc) - đang thách thức vị thế độc tôn của Amazon, buộc "gã khổng lồ" này phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Curtis Yang, doanh nhân kỳ cựu từng thu về hàng triệu USD trên Amazon, hiện đang chuyển dần hoạt động kinh doanh sang Temu. "Tôi đang chơi ở cả hai sân," Yang chia sẻ từ trụ sở tại California. Theo ông, Temu có tiềm năng vượt mặt Amazon nhờ ba yếu tố: phí giao dịch thấp, tốc độ tăng trưởng ấn tượng và - đặc biệt là - cam kết doanh thu hấp dẫn cho các mặt hàng nội thất và phụ kiện.
Chiến lược của Temu không chỉ nhắm vào người tiêu dùng mà còn nhắm thẳng vào đội ngũ người bán độc lập - nguồn thu nhập chiến lược đóng góp gần 25% doanh thu của Amazon. Động thái này được xem là đòn đánh trực diện vào nền tảng kinh doanh cốt lõi của "ông lớn" thương mại điện tử.
Áp lực cạnh tranh đã thúc đẩy cả hai nền tảng liên tục đổi mới mô hình kinh doanh. Amazon vừa ra mắt khu vực mua sắm mới chuyên về hàng giá rẻ - phân khúc vốn là thế mạnh của Temu. Ngược lại, Temu đang dần "Mỹ hóa" hoạt động khi chuyển từ mô hình vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc sang xây dựng hệ thống giao hàng nội địa, đồng thời mở rộng hợp tác với các thương hiệu và người bán Mỹ.
Theo số liệu từ Similarweb, Temu đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các trang thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất toàn cầu, chỉ sau Amazon. Tại thị trường Mỹ, Emarketer dự báo thị phần của Temu sẽ tăng vọt từ 0,7% (2023) lên 2,3% (2025).
Mặc dù con số này vẫn còn khiêm tốn so với thị phần 40% của Amazon, sự trỗi dậy của Temu được đánh giá là thách thức lớn nhất mà Amazon phải đối mặt trong nhiều năm qua, gợi nhớ đến những cuộc đối đầu trước đây với Walmart, Target và eBay.
Chỉ sau 2 năm ra mắt, Temu đã có 167 triệu người dùng trên toàn cầu với hơn 30 triệu lượt tải mỗi tháng. Thậm chí trong quý IV/2022, số lượt cài đặt Temu còn vượt qua cả Amazon, Walmart và Target. Theo số liệu được Yahoo Finance trích dẫn, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Temu trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt đến 20 tỷ USD.
Trong năm 2023, Temu là ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trên iPhone tại Mỹ.
Bí mật đằng sau mức giá rẻ 'kinh hoàng'
Số liệu quan sát cho thấy Temu đang tận dụng triệt để lợi thế về giá. Các sản phẩm trên nền tảng này thường rẻ hơn 15-35% so với Amazon nhờ chính sách phí thấp. Điển hình như một sạc dự phòng Anker có giá 40 USD trên Amazon nhưng chỉ 25 USD trên Temu.
Điểm đặc biệt là nhiều người bán cho biết họ có lợi nhuận cao hơn khi kinh doanh trên Temu, bất chấp giá bán thấp hơn. Một thương nhân tiết lộ đã thu được nhiều lợi nhuận hơn từ việc bán mực in trên Temu so với Amazon, theo các tài liệu được cung cấp. Temu cũng cam kết đảm bảo lợi nhuận cho người bán trên từng sản phẩm, dù điều này có thể khiến công ty phải chịu lỗ.
Nguyên nhân quan trọng khác là vì hàng hóa của Temu được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy, loại bỏ khâu trung gian nên giá đến tay người dùng luôn ở mức thấp nhất. Chuyên gia thương mại điện tử Ines Durand nhận định: "Temu sử dụng một hệ thống tuyệt vời, dựa vào việc thu thập dữ liệu lớn ở quy mô lớn. Họ thu thập dữ liệu về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm được tìm kiếm và nhấp nhiều nhất, sau đó cung cấp cho từng nhà sản xuất".
Amazon không đứng yên trước sự cạnh tranh này. Một phát ngôn viên của công ty nhấn mạnh vai trò "vô cùng quan trọng" của người bán và tái khẳng định lợi thế cạnh tranh của Amazon: hệ thống hậu cần hoàn chỉnh, công cụ quản lý hàng tồn kho tiên tiến và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp.
Năm ngoái, Amazon thu về khoảng 140 tỷ USD từ các khoản phí hỗ trợ người bán về hậu cần, quản lý tài khoản và các dịch vụ khác - con số này thậm chí còn lớn hơn doanh thu từ dịch vụ Prime và mảng điện toán đám mây.
Jordan Berke, nhà sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Tomorrow, nhận định: "Xu hướng đa dạng hóa kênh bán hàng sẽ tiếp tục gia tăng. Các thương hiệu sẽ không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường trên Temu."
Dù Temu đang tạo sóng gió, các nhà bán lẻ vẫn coi đây là kênh bổ sung thay vì thay thế hoàn toàn Amazon. Tuy nhiên, mối quan hệ này không hề đơn giản khi Amazon được cho là có chính sách trừng phạt với những người bán niêm yết giá thấp hơn trên các nền tảng cạnh tranh.
"Chúng tôi đã phải giấu tên thương hiệu của mình", Hsin Cheu, trợ lý giám đốc bán lẻ tại Kasentex - công ty sản xuất đồ giường, thừa nhận. "Chúng tôi không muốn thông tin này gây bất lợi cho doanh nghiệp".
Trước áp lực cạnh tranh, Amazon đang có những điều chỉnh đáng kể. Công ty đã ký kết thỏa thuận với Meta Platforms và các mạng xã hội khác, cho phép người dùng mua sắm mà không cần rời khỏi các ứng dụng này. Đồng thời, Amazon cũng giảm phí bán hàng cho một số mặt hàng quần áo.
Temu cũng đang không ngừng mở rộng khi trang chủ của nền tảng này hiện quảng cáo các sản phẩm từ kho hàng địa phương như kệ và máy hút bụi, rút ngắn thời gian giao hàng từ 5-10 ngày xuống còn 4 ngày.
Brandon Fuhrmann, một doanh nhân trong lĩnh vực đồ dùng nhà bếp, cho biết tốc độ tăng trưởng và mức phí thấp của Temu "quá hấp dẫn để có thể cưỡng lại".
"Người bán sẽ đến nơi có khối lượng giao dịch lớn. Mọi người coi Temu như đang ở giai đoạn đầu tiên của Amazon vậy", Fuhrmann nhận định.
Đốt tiền cho quảng cáo
Được hậu thuẫn bởi công ty mẹ từ Trung Quốc, Temu đã liên tục mua quảng cáo, đẩy chi phí quảng cáo kỹ thuật số lên cao bằng cách trả giá cao hơn các đối thủ, từ các cửa hàng bán lẻ truyền thống lâu năm cho đến những nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt.
Theo ước tính của các nhà phân tích JPMorgan, chi phí tiếp thị của Temu đã đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2023 và con số này sẽ tăng lên gần 3 tỷ USD vào năm 2024. Năm ngoái, theo ước tính của Goldman Sachs, chi tiêu cho tiếp thị của Temu đã góp phần khiến công ty lỗ trung bình 7 USD cho mỗi đơn hàng.
Theo công ty nghiên cứu Sensor Tower, Temu là nhà quảng cáo lớn thứ năm tại Mỹ về chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số trong quý IV năm 2023, một bước nhảy vọt đáng kể so với vị trí 67 cùng kỳ năm 2022. Shein cũng tăng hạng, đứng thứ 17 trong quý IV. Amazon, công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, vẫn là nhà chi tiêu hàng đầu.
Thách thức từ chính sách
Tuy nhiên, Temu đang đối mặt với thách thức từ chính sách. Chính quyền Tổng thống Biden vừa thông báo kế hoạch hạn chế quy tắc "de minimis" - cho phép các gói hàng dưới 800 USD được miễn kiểm tra thuế và hải quan. Động thái này có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của Temu, vốn phụ thuộc nhiều vào chính sách này.
Phát ngôn viên của Temu khẳng định sự tăng trưởng của công ty không phụ thuộc vào quy định thuế và cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn của Mỹ.
Các chuyên gia nhận định Amazon sẽ tiếp tục thống trị ở các mặt hàng thiết yếu như đồ vệ sinh cá nhân và thức ăn thú cưng nhờ khả năng giao hàng nhanh trong vài giờ. Trong khi đó, Temu có lợi thế ở các mặt hàng như đồ gia dụng, điện tử và quần áo - những sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng chờ đợi lâu hơn.
Richard Cai, người sáng lập thương hiệu máy hút bụi Puppyoo, tỏ ra hoài nghi về khả năng cạnh tranh của Amazon trong phân khúc giá rẻ: "Nếu muốn có giá như Temu mà Amazon vẫn giữ mức phí hoa hồng cao như hiện tại thì làm sao được?".
Theo WSJ