Du lịch Làng hương Quảng Phú Cầu
Thitruongtaichinh - Thời gian gần đây, làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội ) thường xuyên đón các bạn trẻ ở Hà Nội và những vị khách du lịch quốc tế đến tham quan, khám phá, check-in như một địa điểm du lịch mới nổi.
Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 35km về phía Nam, du khách dễ dàng đến Quảng Phú Cầu bằng xe buýt hoặc tự chạy xe máy. Không quá khó để các du khách có thể đến được đây.
Nếu đi xe máy, bạn di chuyển theo Quốc lộ 21B, Tỉnh lộ 429. Nếu di chuyển bằng xe buýt, bạn chỉ cần di chuyển đến Bến xe Yên Nghĩa, sau đó bắt chuyến xe buýt số 91 là có thể dễ dàng tìm đến ngôi làng tăm hương Quảng Phú Cầu.
Xã Quảng Phú Cầu có lịch sử làm tăm hương với tuổi đời hơn 100 năm tuổi. Nghề làm tăm mới đầu xuất hiện ở Phú Lương, sau này mở rộng ra các thôn: Đạo Tú, Cầu Bầu, Quảng Nguyên, Xà Cầu.
Không chỉ ấn tượng với những bó tăm hương như những bó hoa rực rỡ sắc màu dưới nắng, du khách còn ấn tượng mùi hương thơm đặc trưng khi tham quan làng nghề.
Theo các đơn vị lữ hành, nhiều khách du lịch Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc… rất thích đến Quảng Phú Cầu tìm hiểu văn hóa làng nghề. Vừa qua, trong chuyến du lịch tại Việt Nam, Daniel, Luis & Robert là nhóm bạn thân đến từ Anh quyết định tìm đến thăm làng hương Quảng Phú Cầu.
“Chúng tôi đã thấy những bức ảnh về ngôi làng sản xuất hương này trên các tờ báo nổi tiếng và đó là lý do chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay. Đến đây chúng tôi được nghe kể chuyện và chứng kiến quy trình sản xuất những que hương nhiều màu sắc này. Ngoài ra, tôi còn được lưu giữ được rất nhiều bức ảnh kỷ niệm đẹp” - Daniel chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai Dung (35 tuổi, Hà Nội), là hướng dẫn viên du lịch thường xuyên dẫn các du khách nước ngoài tới tham quan các làng nghề tại Hà Nội cho hay: “Tôi cho rằng đây cũng là một cách quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hơn nữa, tôi muốn các bạn du khách nước ngoài sẽ được trực tiếp trải nghiệm làm nghề truyền thống giống người dân bản xứ để họ có thể hiểu hơn về văn hóa, giá trị, hơi thở cuộc sống của làng nghề”.
Là chủ một cơ sở sản xuất hương sạch tại đây, anh Thiệu Văn Ước cho biết, bên cạnh màu đỏ, màu vàng đơn thuần, anh đã tìm hiểu và sử dụng hoa đậu biếc, bột lá cây... để giúp chân hương có được nhiều màu sắc nổi bật, tươi tắn. Ngoài ra, anh Thiệu Văn Ước còn mua thêm nhiều đèn lồng và dùng chính sản phẩm của làng nghề để trang trí cho cơ sở sản xuất hương thêm ấn tượng.
Trước đây, để làm ra được những que hương, người thợ phải thực hiện các công đoạn hoàn toàn thủ công. Những năm trở lại đây, gia đình anh quyết định đầu tư một số máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả công việc.
“Ngày trước, những cây nứa, vầu sẽ được người thợ chẻ, tuốt và vót bằng tay. Điều này khiến chúng tôi tốn nhiều nhân lực mà hiệu quả đem lại không cao. Bây giờ đơn đặt hàng ngày càng nhiều, nếu không áp dụng công nghệ hiện đại vào hỗ trợ sản xuất để tăng năng suất thì khó mà đáp ứng hết các đơn hàng trong và ngoài nước” - anh Thiệu Văn Ước cho hay.
Với một sản phẩm mang yếu tố tâm linh không thể thiếu trong mỗi gia đình, những người thợ làm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tỉ mỉ, kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Theo anh Ước, nguyên liệu chính để làm hương gồm vầu và nhiều loại thảo mộc: lá quế, trầm, tùng, bạch chỉ, hoa hồi. Những nguyên liệu này được nhập chủ yếu từ các tỉnh vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái.
Ngày nay, du lịch làng nghề đang ngày càng được ưa chuộng bởi loại hình du lịch văn hóa tổng hợp về nhiều mặt. Du khách đến với làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ hiểu được giá trị văn hóa mà còn được trải nghiệm công đoạn làm nghề thú vị, mua sắm các sản phẩm đặc trưng và hấp dẫn nhất là sở hữu vô vàn bức ảnh check-in độc đáo, đa sắc.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ứng Hòa, tới đây, địa phương sẽ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng, môi trường, cảnh quan, các khu giới thiệu sản phẩm OCOP tại Quảng Phú Cầu để hấp dẫn du khách hơn.