Dự kiến tên gọi và trung tâm hành chính của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập

N.H

(Thị trường tài chính) - Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 12/4/2025, Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố. Việc tổ chức lại bộ máy nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời chấm dứt cấp huyện từ ngày 1/7/2025. Dưới đây là danh sách dự kiến tên gọi và vị trí trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập.

Chính thức chấm dứt cấp huyện từ ngày 1/7/2025

Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, kết luận của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tổ chức từ ngày 10 đến 12/4. Một trong những nội dung trọng tâm của nghị quyết là phương án sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, với định hướng tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã.

Dự kiến tên gọi và trung tâm hành chính của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập - ảnh 1
Chính thức chấm dứt cấp huyện từ ngày 1/7/2025

Theo đó, cấp huyện sẽ được xóa bỏ từ ngày 1/7/2025 – thời điểm các quy định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (dự kiến ban hành trong năm 2025) chính thức có hiệu lực. Hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chấm dứt, thay vào đó là mô hình tổ chức gồm cấp tỉnh (bao gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh hoặc thành phố).

Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời giảm thiểu chồng chéo, phân tán trong quản lý.

Dự kiến tên và trung tâm chính trị - hành chính của 34 tỉnh thành sau sáp nhập

Dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập vừa được công bố kèm theo nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13.

Theo nghị quyết, 11 tỉnh, thành không sáp nhập gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn ,Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

Phương án dự kiến sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh như sau:

Hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

Hợp nhất Lào Cai và Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

Hợp nhất Bắc Kạn và Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Hợp nhất Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình, lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

Hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

Hợp nhất Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Hợp nhất Kon Tum và Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Hợp nhất Gia Lai và Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.

Hợp nhất Ninh Thuận và Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Hợp nhất Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Hợp nhất Đăk Lăk và Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đăk Lăk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đăk Lăk hiện nay.

Hợp nhất Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP HCM, lấy tên là TP HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP HCM hiện nay.

Hợp nhất Đồng Nai và Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

Hợp nhất Tây Ninh và Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.

Hợp nhất Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang, lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

Hợp nhất Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Hợp nhất Tiền Giang và Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.

Hợp nhất Bạc Liêu và Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

Hợp nhất An Giang và Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Sau khi Trung ương công bố phương án dự kiến, Chính phủ và địa phương sẽ xây dựng phương án chi tiết việc sáp nhập tỉnh, thành, xác định tên gọi, trung tâm hành chính mới, để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5-6.