Doanh nghiệp “vạ lây” vì bị hiểu nhầm liên quan đến các doanh nghiệp sai phạm

Song Anh

(Thị trường tài chính) - Gần đây, có liên tiếp các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức lớn bị xử phạt, thậm chí là khởi tố vì sai phạm trong kinh doanh, ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp liên quan khác. Điều trớ trêu là, nhiều doanh nghiệp không liên quan hoặc không còn liên quan đến các doanh nghiệp, tổ chức đó cũng bị "vạ lây".

Doanh nghiệp “vạ lây” vì bị hiểu nhầm liên quan đến các doanh nghiệp sai phạm - ảnh 1
Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) từng vướng phải tin đồn liên quan đến vụ án của Vạn Thịnh Phát và SCB.

Loạt doanh nghiệp vội vàng lên tiếng thanh minh

Sau thông tin ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa dối khách hàng", Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) ngay lập tức bị "réo tên" vì bị cho là có liên quan đến doanh nghiệp này. Ngày 30/11, công ty này đã phát đi thông báo khẳng định đã thoái vốn khỏi Công ty CP Đầu tư LDG, nơi ông Nguyễn Khánh Hưng làm Chủ tịch HĐQT.

Thông báo của Đất Xanh cho biết hiện nay có một số tin tức liên quan đến ông Nguyễn Khánh Hưng bị khởi tố, bắt tạm giam bởi những sai phạm trong việc triển khai dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại Đồng Nai. Trong đó có đề cập đến quá trình làm việc của ông Hưng tại tập đoàn Đất Xanh. Tuy nhiên, tập đoàn này khẳng định ông Nguyễn Khánh Hưng đã thôi giữ các chức vụ tại tập đoàn từ tháng 12/2019, cũng như từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh vào tháng 1/2021.

Về mối liên hệ giữa LDG và Đất Xanh, thông báo nêu rõ: "LDG từng là công ty liên kết với Đất Xanh nhưng vào tháng 7/2020, tập đoàn đã thoái vốn và kết thúc mọi trách nhiệm, quyền lợi tại LDG".

Mới gần đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng vướng phải tin đồn liên quan đến vụ án của Vạn Thịnh Phát và SCB. Một số phương tiện thông tin điện tử đề cập việc một số công ty thẩm định giá, trong đó có “Công ty DATC” đã thông đồng với các đối tượng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn (SCB) phát hành chứng thư thẩm định giá trái pháp luật, để hợp thức các hồ sơ vay vốn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và từ đó gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. 

Liên quan đến thông tin này, chiều 30/11, Bộ Tài chính đã phát đi thông báo khẳng định, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC) không liên quan đến vụ án của Vạn Thịnh Phát và SCB. Công ty liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát thực chất là Công ty DCSC.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam cho biết một số nội dung liên quan đến Công ty Thẩm định giá DATC. Cụ thể, DATC liên quan đến vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực chất tên gọi đầy đủ là: “Công ty cổ phần Tư vấn-Dịch vụ về tài sản-bất động sản DATC” (tên viết tắt trong Giấy đăng ký doanh nghiệp là DCSC).

Trước đó, Công ty cổ phần Tư vấn- Dịch vụ về tài sản- bất động sản DATC là Trung tâm Thông tin Tư vấn, dịch vụ về tài sản-bất động sản trực thuộc Cục Quản lý Công sản-Bộ Tài chính. Vào ngày 29/11/2007, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 3776/QĐ-BTC chuyển giao Trung tâm Thông tin Tư vấn-Dịch vụ về tài sản-bất động sản sang Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) quản lý.

Sau khi tiếp nhận, DATC đã chuyển đổi để thành lập ra Công ty cổ phần với tên gọi “Công ty Cổ phần Tư vấn-Dịch vụ về tài sản-bất động sản DATC” với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong số đó, DATC nắm giữ tỷ lệ 60% vốn điều lệ (6 tỷ đồng tương ứng 600.000 cổ phần).

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tháng 11/2014, DATC đã thoái toàn bộ cổ phần (100% vốn góp) tại Công ty cổ phần Tư vấn-Dịch vụ về tài sản-bất động sản DATC qua Công ty cổ phần Chứng khoán FPT. Chính vì vậy, kể từ tháng 11/2014 đến nay, Công ty DCSC hoạt động độc lập, không có mối quan hệ ràng buộc và không còn là đơn vị thành viên của DATC.

Trong thông báo gửi tới báo chí mới đây, DATC cũng đề nghị các cơ quan báo khi thông tin nên viết đầy đủ hoặc viết tắt chuẩn tên của công ty này trong giấy đăng ký kinh doanh để tránh gây hiểu lầm cho bạn đọc.

Đau đầu vì nhầm lẫn và tin đồn

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư cá nhân điêu đứng với các loại tin đồn thiếu căn cứ, gây thiệt hại không hề nhỏ cho doanh nghiệp. Đáng nói, với thị trường chứng khoán, tác động của tin đồn cũng giống như một chuỗi domino, không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp đó, mà còn ảnh hưởng rất nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp khác liên quan. Phản ứng chuỗi vì thế có thể kéo dài một cách khó lường.

Chính vì thế, doanh nghiệp rất lo sợ khi không thể kiểm soát được 100% các thông tin liên quan đến mình. Trong bối cảnh 90% dòng tiền trên thị trường thuộc về các nhà đầu tư cá nhân, với nhiều cảm xúc nhưng lại ít công cụ phân tích bài bản, tin đồn thất thiệt tạo hiệu ứng tâm lý đám đông, tác động rất lớn đến thị trường chung.

Trong những trường hợp này, với doanh nghiệp, vũ khí mạnh nhất chống lại tin đồn chính là sự minh bạch và minh bạch một cách thường xuyên. "Doanh nghiệp nên có những buổi công bố, trao đổi thông tin với cổ đông, các đối tác về các câu chuyện diễn ra trên thị trường.

Có lẽ trước đây các doanh nghiệp, tổ chức sẽ không quan tâm đến những việc này, nhưng khi nó trở thành một làn sóng thì chúng ta cần làm sao để ngấm dần cho nhà đầu tư hiểu những tin đồn đó là không có căn cứ", ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest, nhận định.

Còn đối với nhà đầu tư, quan trọng hơn cả là kiến thức và các công cụ phân tích vững vàng để tự đưa ra những quyết định có căn cứ. "Để chúng ta xác định tin đồn có khả năng xảy ra thì mức độ ảnh hưởng như thế nào đến bản chất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nếu chỉ nghe từ xấu, tiêu cực thì không biết doanh nghiệp có ảnh hưởng không mà bán ra, như vậy sẽ xảy ra phản ứng dây chuyền rất lớn cho thị trường chứ không chỉ tài khoản của chúng ta", ông Nguyễn Khánh, nhà đầu tư, cho hay.

Ý kiến bạn đọc