HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đề xuất làm đảo vườn giữa lòng sông Sài Gòn, là điểm dừng chân kết nối các cầu đi bộ lân cận

Thanh Thanh

(Thị trường tài chính) - Trên đảo có thể tổ chức các hoạt động giải trí giúp tăng trải nghiệm vượt sông cũng như tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn cho khu trung tâm.

Đề xuất làm đảo vườn là ý tưởng mới được nêu trong báo cáo quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TP.HCM do Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng tác giả.

Đề xuất làm đảo vườn giữa lòng sông Sài Gòn, là điểm dừng chân kết nối các cầu đi bộ lân cận - ảnh 1
Đoạn sông Sài Gòn chảy qua bến Bạch Đằng, quận 1 và TP Thủ Đức được nhóm nghiên cứu đề xuất làm “đảo vườn” nổi (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Liên danh tư vấn đề xuất làm các đảo vườn trên sông Sài Gòn đoạn qua khu trung tâm, bố trí dịch vụ vui chơi, giải trí, thu hẹp không gian hai bờ quận 1 và Thủ Thiêm. Theo nghiên cứu của liên danh tư vấn, dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM có nhiều vùng lãnh thổ và môi trường khác nhau. Do đó, nhóm đã đề xuất chia khu vực này thành 4 phân khu để phát triển, dựa trên những lợi thế và đặc trưng riêng của từng khu vực. Trong đó, việc xây dựng các đảo nổi giữa dòng sông được đề xuất thuộc phân khu thứ 4 - vùng lõi giao giữa quận 1 và Thủ Thiêm.

Cùng với đó, nhóm cũng đề xuất ý tưởng riêng nhằm tạo nên "dòng chảy cơ hội", một động lực phát triển mới cho sông Sài Gòn. Trong đó, phân khu trung tâm, chảy dọc từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm, được nhóm nghiên cứu nhận định là khu vực lý tưởng để phát triển “sân khấu sông đô thị” sôi động. Khu vực này sẽ có các không gian cộng đồng chất lượng cao dọc và ngang hai bờ sông, tạo điểm nhấn và sức hút mới cho thành phố.

Đề xuất làm đảo vườn giữa lòng sông Sài Gòn, là điểm dừng chân kết nối các cầu đi bộ lân cận - ảnh 2

Phối cảnh các cầu đi bộ kết nối xuống đảo vườn (Ảnh: Liên danh tư vấn)

Theo nhóm nghiên cứu, bến Bạch Đằng, Khánh Hội và ven sông Thủ Thiêm sẽ trở thành những địa điểm hàng đầu trong khu vực đô thị này. Sự nổi bật của các địa điểm này sẽ được nâng cao hơn nữa nếu hai bờ sông được kết nối liền mạch thông qua nhiều điểm giao nhau.

Do đó, nhóm đề xuất phát triển ở đây một số loại “bậc thang kiểu Nhật” dưới dạng “đảo vườn” nổi hoặc cố định, được liên kết với nhau và nối với bờ bằng cầu dành cho người đi bộ. Quá trình tái tạo đô thị tích hợp này sẽ không chỉ mang lại các hoạt động mới mà còn cung cấp không gian mới cho cây xanh và người đi bộ, cùng với tuyến xe điện chạy dọc bờ sông. Điều này không chỉ làm khu vực lõi của đô thị trở nên hấp dẫn và đáng sống hơn mà còn giúp ứng phó với các đợt nắng nóng và thủy triều cao trong tương lai.

Đề xuất làm đảo vườn giữa lòng sông Sài Gòn, là điểm dừng chân kết nối các cầu đi bộ lân cận - ảnh 3
Hình ảnh 3D về các đảo vườn màu xanh giữa lòng sông

Cũng theo nhóm nghiên cứu, ở hạ nguồn, khu công nghiệp Tân Thuận và cảng sẽ tiếp tục đóng vai trò là trung tâm sản xuất và hậu cần lớn ở TP.HCM.

Ở ba phân khu còn lại, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các hướng quy hoạch mới. Theo đó, phân khu phía Bắc, chủ yếu là nông thôn, kéo dài từ trung tâm lịch sử Thủ Dầu Một đến Khu tưởng niệm địa đạo Củ Chi, bao gồm cả huyện Củ Chi và Bến Cát. Nhóm nghiên cứu dự định phát triển một hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.

Ở phân khu 2, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này.

Tại phân khu 3 (khu vực Thanh Đa - Thảo Điền), nhóm đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300ha. Hai khu này liên kết với nhau bằng tuyến cáp treo công suất cao.


Ý kiến bạn đọc