Cựu lãnh đạo bị đề nghị truy tố: Resco có nghìn tỷ gửi ngân hàng, đầu tư khủng vào các công ty liên doanh, liên kết
(Thị trường tài chính) - Hết năm 2023, Resco có hơn 2.200 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con, các công ty liên doanh, liên kết và có hơn 1.000 tỷ đồng gửi ngân hàng. Doanh nghiệp không ghi nhận vay nợ ngân hàng.
Đề nghị truy tố 8 bị can là cựu lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn
Ngày 6/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco).
Nhóm bị can bị đề nghị truy tố gồm: Nguyễn Tín Trung (68 tuổi, nguyên chủ tịch HĐTV Resco), Nguyễn Phước Ngọc (61 tuổi, nguyên chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Quản lý nhà TP, nguyên tổng giám đốc, chủ tịch HĐTV Resco), Đỗ Văn Phúc (nguyên thành viên HĐTV Resco), Trần Công Đức (nguyên thành viên HĐTV Resco), Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc 8, nguyên thành viên HĐTV Resco), Võ Hữu Hải (nguyên thành viên HĐTV Resco), Hoàng Hải Đăng (nguyên phó tổng giám đốc Resco), Nguyễn Đình Phú (nguyên phó tổng giám đốc Resco) bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trước đó, vào tháng 1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM hoàn tất kết luận, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tại Resco sang Viện KSND cùng cấp. Tuy nhiên, Viện KSND TPHCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một số nội dung.
Theo kết luận điều tra bổ sung, Resco có 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TPHCM, là chủ đầu tư, tham gia đầu tư nhiều công trình cao ốc văn phòng, khu dân cư thương mại có vị trí đắc địa trên địa bàn TPHCM.
Năm 2010, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao Resco thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Rạch Ụ Cây.
Để có nguồn vốn thực hiện dự án, UBND TPHCM đã chấp thuận cho Resco chuyển mục đích sử dụng 15 mặt bằng nhà, đất để cấn trừ vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án Rạch Ụ Cây, thay vì phải nộp vào ngân sách TPHCM.
Năm 2013, Resco được UBND TPHCM cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất các mặt bằng này cho các đơn vị thành viên Resco.
Tuy nhiên, Resco không thực hiện đầu tư khai thác kinh doanh mà chuyển nhượng 3 mặt bằng, gồm: 299/18 Lý Thường Kiệt, 682 Hồng Bàng (cùng thuộc quận 11) và mặt bằng trung tâm thương mại Bình Đăng cho các công ty cổ phần có vốn góp của Resco, không thông qua đấu giá, không đúng với chỉ đạo của UBND TPHCM
Cụ thể, Resco chuyển nhượng mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt cho Công ty CP Địa ốc 7 (có 20% vốn của Resco) với giá hơn 38 tỷ đồng; chuyển nhượng mặt bằng 682 Hồng Bàng cho Công ty Nam Việt (có 20% vốn của Resco) với giá hơn 22 tỷ đồng; chuyển nhượng mặt bằng trung tâm thương mại Bình Đăng cho Công ty TNHH XD TM Sài Gòn 5 với giá 90,9 tỷ đồng.
Sau khi Resco chuyển nhượng 3 mặt bằng trên, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM đã làm thủ tục cập nhật giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Địa ốc 7, Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc Nam Việt và Công ty TNHH XD TM Sài Gòn 5.
Sau đó, các công ty này đã chuyển nhượng 3 mặt bằng trên cho các cá nhân khác nên không còn thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi trên của các bị can dẫn đến thất thoát cho Resco tại thời điểm chuyển nhượng là 2 tỷ đồng đối với mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt; 1,7 tỷ đồng đối với mặt bằng 682 Hồng Bàng và 41,4 tỷ đồng đối với mặt bằng trung tâm thương mại Bình Đăng.
Resco làm ăn thế nào?
Doanh thu thuần năm 2023 đạt 70,6 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm 2022. Giá vốn hàng bán ở mức 30 tỷ đồng, lãi gộp đạt 40,5 tỷ đồng, giảm 44% so với năm trước đó.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 249 tỷ đồng, tăng tới 86% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí tài chính giảm từ 14 tỷ đồng xuống còn 9,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 59,3% so với năm trước lên 83,2 tỷ đồng. Kết quả năm 2023, Resco báo lãi 161 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2022.
Tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Resco tăng nhẹ lên 6.010 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 48% xuống 410,5 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn gấp 3,2 lần so với đầu năm, ở mức hơn 730 tỷ đồng. Trong đó, có tới hơn 1.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1-3 tháng (lãi suất từ 2,7%/năm - 4,7%/năm) và từ 6-12 tháng (lãi suất dao động từ 3,85%/năm -9%/năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 11,8% lên 265 tỷ đồng. Trả trước cho người bán ngắn hạn giảm mạnh từ 19,8 tỷ đồng xuống 5,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng nhẹ lên 1.621 tỷ đồng, chiếm 48% tài sản ngắn hạn, ghi nhận tại một số dự án như chung cư Nguyễn Kim B (quận 10), cụm chung cư An Hội (quận Gò Vấp), khu lưu trú công nhân - khu B (huyện Bình Chánh).
Bên cạnh đó, Resco có đầu tư vào 5 công ty con và hàng loạt công ty liên doanh, liên kết với giá gốc lần lượt gần 487 tỷ đồng và 1.280,4 tỷ đồng.
Một số khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh giá trị lớn như Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC, 672 tỷ đồng, tỷ lệ 30%), Công ty Keppel Land Watco (348 tỷ đồng, tỷ lệ 16%). Trong đó, HDTC từng do ông Đinh Trường Chinh làm Chủ tịch HĐQT, vừa bị khởi tố về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, liên quan dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM.
Nợ phải trả của Resco tăng nhẹ lên 954,6 tỷ đồng, chiếm phần lớn là nợ dài hạn với gần 700 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp không có khoản vay nợ nào.Vốn chủ sở hữu ở mức 5.055 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ ở mức 3.940 tỷ đồng.