Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được lưu thông từ ngày 25-/12
Kinhtedothi - Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành đưa vào khai thác rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ. Các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông bắt đầu từ 7h00 ngày 25/12/2023.
Sáng 24/12, tại tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Lễ khánh thành 2 dự án giao thông quan trọng tại vùng ĐBSCL gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.
Đây là 2 dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP HCM đến TP Cần Thơ dài 120 km.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337, thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và.
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 4/1/2021, hiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác.
Về Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư, khởi công ngày 16-3-2020. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.003 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (cách 350 m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu) nằm trên trục đường cao tốc từ TP HCM đi TP Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.
Bộ GTVT thông tin, đối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do điều kiện địa hình, mặt bằng nên công tác tổ chức sự kiện diễn ra ngay trên chính tuyến. Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh môi trường, rà soát, kiểm tra đầy đủ các điều kiện an toàn, các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông bắt đầu từ 7h00 ngày 25/12/2023.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các chủ đầu tư khẩn trương đánh giá, hoàn thiện hồ sơ để điều chỉnh tốc độ khai thác tối đa (lên 90km/h) đối với các tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe phân kỳ vừa được đưa vào khai thác trong thời gian qua, phấn đấu hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán 2024.
Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay. Đồng thời, hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ nói riêng.
Ngay sau khi thông xe, khai thác tuyến chính để phục vụ đi lại của nhân dân, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung tối đa lực lượng, tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn nhất là về nguyên vật liệu, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình, để đưa Dự án khai thác đồng bộ trước dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024.