Cận Tết, bia rượu giảm giá vẫn ế, nước trái cây lên ngôi
Thitruongtaichinh - Tết Giáp Thìn đã cận kề, thông thường, vào thời điểm này, sức tiêu thụ mặt hàng rượu, bia sẽ tăng mạnh. Thế nhưng năm nay sức mua mặt hàng này sụt giảm khi người dân thắt chặt chi tiêu và lo ngại sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Người tiêu dùng “quay lưng” với bia rượu
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, các tạp hóa, siêu thị những ngày này giời thiệu, quảng bá đủ các loại bia của các thương hiệu với mức giá tương đương cùng kỳ năm trước. Hiện, bia Bia Hà Nội lon 330ml có giá từ 290.000 – 320.000 đồng/thùng 24 lon, bia Heineken thường đang có giá 426.000 đồng/thùng, bia Tiger 353.000 đồng/thùng, bia Sài Gòn Special 358.000 đồng/thùng, Sài Gòn Gold 409.000 đồng/thùng, bia 333 giá 285.000 đồng/thùng, bia Đại Việt Black có giá 666.000 đồng/thùng.
Để kích cầu, nhiều hãng bia đưa ra các chương trình khuyến mãi vô cùng hấp dẫn. Cụ thể, bia Ruby đang thực hiện mua 1 thùng tặng 1 voucher trị giá 25.000 đồng.
Trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Lazada... cũng đang chào bán rất nhiều mặt hàng bia sản xuất trong nước và nhập khẩu đồng thời tổ chức chương trình giảm giá 5 - 10%, kèm quà tặng và miễn phí giao hàng. Riêng sàn Sendo, bia Tiger bạc Thái giảm đến 29%, còn 359.0000 đồng/thùng.
Mặc dù giá bia không tăng, tại các siêu thị, nhân viên tiếp thị túc trực liên tục để chào mời nhưng lượng khách hỏi mua vô cùng thưa thớt. Tại siêu thị Winmart nhân viên hãng bia Heineken chia sẻ, thông thương vào thời điểm cận Tết, khách đã nườm nượp tìm mua bia. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu đối với mặt hàng nay giảm khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái nên các đại lý chỉ nhập số lượng ít.
Tương tự, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Lương Định Của (Đống Đa) Minh Ngọc cho hay, nếu như năm ngoái bán cả chục thùng mỗi ngày thì nay cửa hàng chỉ đạt 1/3 số lượng này. Hiện cửa hàng nhập 50 thùng bia về bán dịp Tết nhưng hiện vẫn còn hơn một nửa chưa tiêu thụ được bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Lý giải nguyên nhân khiến người tiêu dùng “quay lưng” với mặt hàng bia, rượu trong dịp Tết Nguyên đán nhiều người tiêu dùng có chung ý kiến, lực lượng chức năng trong những ngày Tết vẫn tiến hành kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông, nếu uống sẽ bị xử phạt nặng nên nói không với bia, rượu để tránh bị xử phạt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt, ngành bia đang gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19 và các chính sách quản lý đang siết chặt quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, người dân thắt lưng buộc bụng do kinh tế khó khăn. Những lý do trên ảnh hưởng đến sức tiêu thụ bia trong thời điểm cuối năm.
Nước trái cây lên men, bia không cồn lên ngôi
Do Nghị định 100/2019/NĐ-CP ra hiệu lực xử phạt nặng đối với người lái xe sau khi uống rượu bia nên dịp Tết Nguyên đán năm nay nhiều người dân có xu hướng chuyển từ uống bia rượu sang các loại bia không cồn, nước trái cây lên men để giải khát khi tụ tập bạn bè, người thân tại nhà. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tăng doanh thu các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đang đẩy mạnh bán nước trái cây độ cồn thấp, không độ cồn cho dịp Tết Nguyên đán.
Năm nay các siêu thị, chợ lẻ và sàn thương mại điện tử đều bầy bán các loại bia không cồn, như Sagota 470.000-485.000 đồng/thùng 24 lon, bia Heineken loại 0.0% độ cồn 460.000-490.000 đồng/thùng 24 lon. Tại nhiều siêu thị đang bán dòng nước ép trái cây không cồn Bundaberg nhập khẩu từ Úc với giá trên dưới 50.000 đồng/chai, nước hoa quả Yeo's nhập từ Malaysia...
Giám đốc siêu thị MM Mega market Hoàng Mai Tạ Trung Hiếu cho biết đơn vị chọn đẩy mạnh nhập thêm các loại bia không cồn, độ cồn thấp hoặc nước trái cây lên men. Mặt hàng này với những chủng loại có giá bán bình dân đang bán tốt, mức tăng trưởng 15 - 20%. “Thị trường bia rượu năm nay sôi động với các loại bia lon không nồng độ cồn. Những loại bia 0 độ uống vị như bia bình thường nhưng lại không có chút cồn nào. Rất phù hợp uống xong phải lái xe trong những ngày tết mà không sợ bị công an phạt"-ông Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm cho biết việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng loại đồ uống không cồn hoặc nồng độ cồn thấp đã đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ khai thác phân khúc thị trường khá mới mẻ này. Trong khi đó, thông tin từ Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho thấy doanh nghiệp đã đưa ra thị trường sản phẩm đồ uống không cồn và theo chiến lược sẽ tiếp tục phát triển mạnh phân khúc đồ uống này.
Có thể nói, việc người dân quan tâm đến bia không cồn như một sản phẩm thay thế cho thấy ý thức đã được nâng lên sau những đợt kiểm soát gắt gao của lực lượng cảnh sát giao thông trước những vi phạm về nồng độ cồn trong quá trình tham gia giao thông.