HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bình Định xem xét thu hồi dự án cụm công nghiệp không đảm bảo tiến độ

Theo Báo Công thương

Bình Định kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ, chỉ tiêu nhằm hoàn thành kế hoạch cũng như thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết, để phát triển công nghiệp, cách đây 20 năm, từ năm 2004 địa phương đã quan tâm tới công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp. Trải qua 4 lần lập quy hoạch, Bình Định đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp trong quy hoạch của tỉnh và được phê duyệt.

Trên địa bàn tỉnh có 68 cụm công nghiệp đã được thành lập, trong đó 46 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; có 37 cụm đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 904,2ha. Tính đến ngày 12/4/2024, các cụm công nghiệp đã thu hút 374 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất đã cho thuê 566,7 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm đi vào hoạt động 62,7%; trong đó, 246 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc 22.000 lao động.

Tổng vốn đầu tư của các dự án trong các cụm công nghiệp là 15.974,2 tỷ đồng nhưng vốn thực hiện mới đạt 7.774,8 tỷ đồng (đạt 48,8%) với suất đầu tư bình quân 42,7 tỷ đồng/dự án...

Bình Định xem xét thu hồi dự án cụm công nghiệp không đảm bảo tiến độ
Cụm công nghiệp Tây Xuân, huyện Tây Sơn, có diện tích 50,0ha. Ảnh: T.Hậu

Trong quý I/2024, UBND tỉnh đã ban hành chủ trương thành lập 2 cụm công nghiệp mới gồm cụm công nghiệp Qui Hội (53 ha) và CCN Bình Thành (75 ha); mở rộng 2 CCN gồm cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (mở rộng từ 37 lên 75 ha); cụm công nghiệp Tà Súc (mở rộng từ 35,7 ha lên 70,7 ha).

Ông Tổng cũng cho hay, trước khi Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển cụm công nghiệp được ban hành, Bình Định đã triển khai định hướng ưu tiên doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với 46 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 19 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Một phần nhiệm vụ là các cụm công nghiệp phải thực hiện việc kê khai giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật phù hợp, đảm bảo công khai minh bạch, tuân thủ quy định.

Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cũng cho hay, bên cạnh việc giao chỉ tiêu, Bình Định có cơ chế giám sát thông qua công tác sơ kết đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu. Theo đó, trong quý I/2024, chỉ có 2 trên 19 cụm này hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao trong quý, còn lại 17 cụm chưa hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Về kết quả này, có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như nhà đầu tư triển khai chậm, hồ sơ chưa đảm bảo; các sở ngành, địa phương liên quan chưa quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư; địa phương còn chậm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao trong năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định giao Sở Công Thương rà soát xem xét, đánh giá lại các chủ đầu tư không đảm bảo về năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

Các địa phương được giao tổ chức làm việc với đơn vị cấp điện, cấp nước để đảm bảo việc cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào cụm công nghiệp; đồng thời, rà soát, bố trí vốn đầu tư công để đầu tư hệ thống giao thông đến chân hàng rào theo quy định đối với các cụm công nghiệp có hệ thống giao thông kết nối với cụm công nghiệp còn nhỏ hẹp.

Đối với các doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; khẩn trương thực hiện việc niêm yết giá và công khai thông tin về giá cho thuê đất gắn hạ tầng kỹ thuật. Rà soát, đánh giá lại tính khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để xem xét việc tiếp tục đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.

Bình Định phấn đấu tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, ít nhất mỗi địa phương từ 20 - 30 ha/năm; thu hút và ưu tiên các doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng từ 8 - 10 cụm công nghiệp. Chủ đầu tư lập kế hoạch, tổ chức thực hiện xúc tiến đầu tư và thu hút ít nhất 2 dự án/năm hoặc lấp đầy tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trở lên. Số lượng cụm công nghiệp hoạt động có công trình bảo vệ môi trường đến năm 2025 đạt 100%.

Ý kiến bạn đọc