YouTube bắt tay Shopee lập ‘đế chế’ thương mại điện tử mới tại Đông Nam Á, sẽ mở rộng sang Việt Nam trong vài tuần tới
(Thị trường tài chính) - Giám đốc điều hành của hai công ty cho biết họ có kế hoạch mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới.
Mới đây, Alphabet Inc, công ty mẹ của YouTube, và nền tảng thương mại điện tử Shopee tuyên bố hôm 18/9 rằng họ đang ra mắt một dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Indonesia. Hai công ty cho biết có kế hoạch mở rộng dịch vụ này ra khắp khu vực Đông Nam Á, khi cạnh tranh ngày một gia tăng với đối thủ thuộc sở hữu của TikTok.
Trong khuôn khổ hợp tác với YouTube Shopping, người dùng sẽ có thể mua các sản phẩm được xem trên YouTube thông qua các liên kết đến Shopee, công ty thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Sea Group.
Giám đốc điều hành của hai công ty cho biết họ có kế hoạch mở rộng dịch vụ này sang Thái Lan và Việt Nam trong vài tuần tới. Tính đến thời điểm hiện tại, YouTube Shopping đã hoạt động tại Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của YouTube, cho biết rằng "sự năng động và tốc độ của mua sắm trực tuyến ở Indonesia" là lý do thúc đẩy việc ra mắt dịch vụ này.
Với YouTube Shopping, Alphabet Inc và Shopee sẽ cạnh tranh với TikTok, ứng dụng video thuộc sở hữu của Bytedance, vốn đã tăng cường tham vọng tại khu vực sau khi nắm quyền kiểm soát nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, Tokopedia.
Ông Vidyasagar cho biết YouTube Shopping sẽ được mở cho các đối tác khác ngoài Shopee "theo cách tuần tự, từng giai đoạn”.
Năm ngoái, Reuters dẫn nguồn tin cho biết YouTube đang có kế hoạch xin giấy phép để vận hành dịch vụ thương mại điện tử tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works, dịch vụ mua sắm TikTok Shop của TikTok đã đạt giá trị hàng hóa gộp là 16,3 tỷ USD tại Đông Nam Á vào năm 2023, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Điều này đã giúp TikTok Shop trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau Shopee.
Khu vực có gần 700 triệu dân này là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. Báo cáo của Momentum Works cho biết 8 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á đã đạt tổng giá trị hàng hóa 114,6 tỷ USD vào năm 2023, tăng 15% so với năm 2022.
Theo Reuters