Quốc gia châu Á dẫn đầu thế giới về việc ngắt kết nối internet, kỷ lục lên đến hơn 500 ngày liên tiếp
(Thị trường tài chính) - Từ năm 2016 đến 2023, Ấn Độ đã có 771 lần cắt mạng, và tính riêng trong năm nay đã có 51 lần.
Vào ngày 10/9, khi bang Manipur ở Đông ắc Ấn Độ tuyên bố ngừng cung cấp internet trong 5 ngày để đối phó với các cuộc biểu tình do sinh viên dẫn đầu, người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ gay gắt trước quyết định này.
Theo dữ liệu được chia sẻ bởi tổ chức giám sát quyền kỹ thuật số Access Now, Ấn Độ đã dẫn đầu thế giới về về số lượng lần ngắt kết nối internet trong gần một thập kỷ qua. Theo công cụ tính toán NetLoss của Internet Society Pulse, nền kinh tế của Ấn Độ ước tính đã mất khoảng 216 tỷ USD do các lệnh ngừng truy cập internet trong 10 năm qua.
Trong khi một số quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, và Nga kiểm duyệt, giám sát hoặc hạn chế internet một cách khá chặt chẽ, người dân Ấn Độ được tiếp cận một cách cởi mở hơn. Tuy nhiên, Ấn Độ lại thường xuyên áp dụng các lệnh ngừng truy cập. Từ năm 2016 đến 2023, Ấn Độ đã ngắt kết nối internet 771 lần, theo dữ liệu của Access Now.
Phần lớn các lệnh ngừng truy cập ở Ấn Độ chủ yếu diễn ra tại Jammu và Kashmir, một khu vực nằm ở trung tâm của cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Vào tháng 8/2019, khu vực này đã trải qua 552 ngày liên tiếp không có internet, đây là lệnh cắt mạng dài nhất trong lịch sử thế giới.
Năm ngoái, Chính phủ Ấn Độ đã ngắt mạng internet 116 lần, theo dữ liệu của Access Now. Myanmar và Iran xếp thứ hai và ba với lần lượt 37 và 34 lần ngắt mạng.
Theo xu hướng của năm nay, có khả năng Ấn Độ sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong việc hạn chế kết nối mạng, thậm chí còn với một khoảng cách rất xa so với các quốc gia khác.
Theo Rest of World