HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngân hàng Goldman Sachs: EU đối mặt cuộc khủng hoảng khí đốt mới

Nguyễn Thu

Thitruongtaichinh - Ngân hàng Goldman Sachs Mỹ nhận định, giá khí đốt tại châu Âu vẫn dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung hoặc biến động về nhu cầu.

Goldman Sachs cảnh báo EU vẫn đối mặt cuộc khủng hoảng khí đốt mới. Ảnh: RT
Goldman Sachs cảnh báo EU vẫn đối mặt cuộc khủng hoảng khí đốt mới. Ảnh: RT

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được kịch bản lặp lại khủng hoảng năng lượng hồi năm 2022 nhờ thời tiết ấm áp và lượng dự trữ khí đốt ở mức cao.

Mùa Đông năm nay được xem là mùa Đông ấm thứ hai trong thập kỷ qua và giá khí đốt ở châu Âu đã giảm 37% kể từ tháng 11/2023, điều này cho phép lục địa già tích trữ một lượng nhiên liệu khá lớn.

Tuy nhiên, các chiến lược gia tại ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ không cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đã được dập tắt hoàn toàn.

Các chuyên gia của ngân hàng Mỹ cảnh báo, các nước EU vẫn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cơ cấu về khí đốt tự nhiên và phải bù đắp cho nguồn cung năng lượng bị mất từ Nga.

"Giá khí đốt đang ở mức thấp có thể gia tăng kỳ vọng rằng châu Âu đã giải quyết được cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc và châu Âu vẫn đối mặt nguy cơ phải chứng kiến mức giá khí đốt thiết lập kỷ lục mới vào cuối năm nay” - các chiến lược gia của Goldman Sachs nói với tờ Busness Insider.

Theo giới phân tích, giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Âu giảm kể từ tháng 11/2023, nhưng chủ yếu là do nhu cầu giảm mạnh.

Các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng những cải thiện về nguồn cung LNG trong ngắn hạn vẫn chưa giải quyết được thâm hụt cơ cấu và bù đắp nguồn cung khí đốt của Nga. Ngược lại, giá khí đốt vẫn dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung hoặc biến động về nhu cầu.

Châu Âu vẫn đối mặt rủi ro về an ninh năng lượng vào mùa Đông sắp tới do thời tiết lạnh giá có thể khiến nhu cầu tăng đột biến, điều này sẽ làm cạn kiệt hàng tồn kho và đẩy giá lên cao.

Theo ước tính, một mùa Đông lạnh hơn dưới mức trung bình khoảng 1 độ C có thể khiến nhu cầu tăng thêm khoảng 12%.

Trong khi đó, Goldman Sachs cho biết, châu Âu không những không thể bù đắp được 20% nguồn cung khí đốt nhận được từ Nga, mà phần lớn sự sụt giảm giá LNG gần đây xuất phát từ nhu cầu suy yếu thay vì nguồn cung được bổ sung.