HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chặn đứng Temu

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Sau khi bị Indonesia chặn để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, Temu đang đối diện với sự giám sát chặt chẽ từ nhiều quốc gia khác nhằm đối phó với làn sóng hàng giá rẻ.

Trong những ngày gần đây, Temu đã trở thành cái tên nổi bật trên mạng xã hội tại Việt Nam. Đây là nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), ra mắt tại Mỹ vào năm 2022 và nhanh chóng mở rộng quy mô toàn cầu.

Tương tự các đối thủ, Temu cung cấp mọi loại sản phẩm, từ đồng hồ, túi xách, thiết bị điện tử cho đến các mặt hàng nhỏ như hoa tai, tất, dây thun với mức giá vô cùng rẻ. Chính nhờ lợi thế giá cả, Temu đã tạo ra làn sóng thu hút khách hàng trên thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chặn đứng Temu - ảnh 1
Temu cung cấp các sản phẩm giá rẻ nhiều lần so với các nền tảng khác

 

Tuy nhiên, tại Indonesia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Budi Arie Setiadi đã yêu cầu Alphabet (công ty mẹ của Google) và Apple gỡ bỏ Temu khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Indonesia. Động thái này được đưa ra dù Chính phủ Indonesia chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Budi cho biết quyết định này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm giá rẻ của Temu. Mô hình kinh doanh của Temu, kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà sản xuất tại Trung Quốc, giúp giảm giá thành nhưng lại tạo ra sự bất công trong môi trường kinh doanh nội địa.

Bộ trưởng Budi nhấn mạnh rằng mục tiêu của Indonesia là bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Ông cũng cảnh báo rằng Indonesia sẽ ngăn chặn mọi kế hoạch đầu tư của Temu vào thị trường thương mại điện tử địa phương, và động thái tương tự có thể được áp dụng đối với Shein, một nền tảng thương mại điện tử giá rẻ khác của Trung Quốc.

Hiện tại, Temu, Apple và Google chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này. Phía Shein cũng khẳng định họ không có hoạt động tại Indonesia.

Trước đó, Indonesia đã yêu cầu TikTok, nền tảng xã hội thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), đóng cửa mảng thương mại điện tử để bảo vệ dữ liệu người dùng và các doanh nghiệp địa phương. Sau đó, TikTok đã mua phần lớn cổ phần trong đơn vị thương mại điện tử của GoTo (Indonesia) để tiếp tục hoạt động tại thị trường này.

Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., quy mô thị trường thương mại điện tử Indonesia có thể đạt 160 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh từ mức 62 tỷ USD trong năm 2023.

Các quốc gia khác đối phó với Temu ra sao?

Sự xuất hiện của Temu trên thị trường toàn cầu đã làm gia tăng cạnh tranh xuyên biên giới, buộc nhiều quốc gia phải tìm cách bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là thị trường thứ ba mà Temu đặt chân tới, sau Philippines và Malaysia.

Ngay khi xuất hiện, Temu đã vấp phải làn sóng phản đối từ các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng tại Thái Lan, lo ngại rằng sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng nội địa. Chính phủ Thái Lan đã chỉ đạo giám sát hoạt động của Temu để đảm bảo tuân thủ pháp luật và chính sách thuế.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chặn đứng Temu - ảnh 2
Một kho hàng của người bán trên nền tảng Temu tại Mỹ

Tại châu Âu, Temu cũng đang bị giám sát chặt chẽ. Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc loại bỏ miễn thuế cho các bưu kiện thương mại điện tử có giá trị dưới 150 Euro, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và phân phối trong khối trước sự cạnh tranh từ Temu và các nền tảng tương tự. EU cũng yêu cầu Temu minh bạch hơn về hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tại Mỹ, Temu bị cáo buộc "lách" luật nhập khẩu bằng cách tận dụng lỗ hổng thuế "de minimis", cho phép miễn thuế đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD. Tình trạng này đã khiến lượng gói hàng nhập khẩu nhỏ tăng vọt, với hơn 1 tỷ gói hàng vào năm ngoái, so với chỉ 140 triệu gói cách đây một thập kỷ.

Các nhà lập pháp Mỹ đang cân nhắc sửa đổi luật để giải quyết vấn đề này, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và bán lẻ trong nước, đồng thời đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu.

Theo Nikkei Asia