Mỹ sẽ ủng hộ đề xuất mới của Ukraine về trần giá dầu Nga?
Moscow tuyên bố, ý tưởng của Ukraine về việc áp trần giá dầu Nga ở mức 30 USD là “vượt quá mọi giới hạn” đối với phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Mỹ khó có thể đồng ý với đề xuất của Ukraine về việc hạ trần giá dầu của Moscow xuống 30 USD/thùng vì điều này sẽ làm rung chuyển thị trường năng lượng toàn cầu và tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ.
Ông Lavrov đưa ra tuyên bố này trong cuộc phỏng vấn cho một dự án phim tài liệu về dầu mỏ được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao hôm 21/3.
“Đề xuất của Ukraine vượt quá mọi giới hạn của phương Tây. Điều quan trọng hơn là Mỹ khó có thể nhất trí với ý tưởng này” - Ngoại trưởng Lavrov nói.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022, phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực đối với Moscow. Vào tháng 12/2022, nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia chính thức áp biện pháp trần giá 60 USD/thùng đối với dầu URL-PRMSK (Nga). Hiện dầu thô Nga đang được giao dịch ở mức khoảng 68 USD/thùng.
Theo hãng tin Reuters, trước khi phương Tây ấn định cơ chế áp trần giá dầu Nga hiện tại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 11/2022 từng kêu gọi các đồng minh áp mức giá trần từ 30 đến 40 USD mỗi thùng.
Mức trần giá 60 USD/thùng với dầu Nga cho đến nay vẫn được duy trì bất chấp biến động của giá dầu và một số quốc gia kêu gọi hạ mức trần để hạn chế hơn nữa doanh thu của Moscow.
Mỹ cũng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với hàng chục tàu chở nhiên liệu do nghi ngờ vi phạm biện pháp trần giá dầu Nga của phương Tây.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng cộng đồng quốc tế đều phản đối mức trần giá dầu Nga do phương Tây áp đặt. Ông nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn hôm 21/3: “Rõ ràng nhiều nước trên thế giới không hoan nghênh biện pháp áp giá trần với dầu mỏ Nga. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây dường như không đủ can đảm để chấp nhận thực tế này”.
Tổng thống Vladimir Putin mới đây khẳng định nền kinh tế Nga vẫn phát triển mạnh khi đạt tốc độ tăng trưởng 3,6% trong năm ngoái bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, đã và đang có rất nhiều khách hàng tiềm năng.
Số liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho thấy Nga chiếm 5% trữ lượng dầu thế giới và khoảng 1/4 trữ lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu. Trong khi đó nhóm OPEC, dẫn đầu là Ả Rập Saudi, kiểm soát khoảng 80% trữ lượng dầu của thế giới.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Moscow đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang các nước châu Phi trong những năm gần đây, bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây.
“Chúng tôi đã tăng gấp đôi lượng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang châu Phi trong một năm rưỡi qua” - ông Lavrov nói khi trả lời câu hỏi về việc liệu Nga có bắt đầu cạnh tranh với các nước khác, đặc biệt là Iran, trên thị trường dầu mỏ hay không.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang châu Á và châu Phi vào năm ngoái sau khi EU, vốn chiếm hơn 60% xuất khẩu năng lượng của Moscow trước cuộc xung đột Ukraine, ngừng chấp nhận vận chuyển dầu bằng đường biển của nước này.
Ông cũng lưu ý thêm rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã nổi lên thành những khách hàng lớn mua dầu thô của Nga sau khi Moscow chuyển hướng hàng hóa từ châu Âu sang phía Đông do chịu ảnh hưởng từ các trừng phạt của phương Tây.
Tháng 7/2023, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov ước tính Moscow sẽ cung cấp khoảng 20 triệu tấn dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các nước châu Phi vào cuối năm 2023.
Hồi đầu năm nay, Reuters cho biết, Ghana, Libya, Tunisia và Togo đều có mức tăng trưởng nhập khẩu dầu hàng năm hơn 100% từ Nga trong năm ngoái. Trong khi đó, một số nước sản xuất và xuất khẩu dầu hàng đầu tại châu Phi như Maroc, Senegal và Nigeria, cũng ghi nhận mức tăng đáng kể về nhập khẩu dầu của Nga vào năm ngoái, theo trích dẫn dữ liệu của Kpler.