Đâu là nền kinh tế Đông Nam Á dễ bị tác động nhất từ chính sách thuế quan của ông Trump?
(Thị trường tài chính) - Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Malaysia cũng đang gặp áp lực lớn từ mức thuế mới của Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoặc thu hẹp hoạt động.
Malaysia được dự báo sẽ là một trong những nền kinh tế châu Á dễ bị tác động nhất nếu Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc khi ông Trump tái đắc cử Tổng thống, theo báo cáo của OCBC Global Market Research.
OCBC chỉ ra, xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ có thị phần cao hơn Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 - tháng 8/2024.
Điều này khiến Malaysia nhạy cảm hơn trước các mức thuế mới từ Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia ASEAN được hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1”, diễn ra sau các đợt thuế quan của Mỹ vào năm 2018.
OCBC cũng cho biết, việc ông Trump có khả năng thực hiện cam kết tăng thuế lên tất cả các đối tác thương mại của Mỹ sẽ khiến Malaysia cùng các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan trở thành đối tượng chịu rủi ro.
Ông Trump đã từng tuyên bố sẽ xem xét mức thuế từ 10-20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu, thậm chí 60% đối với sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Báo cáo của OCBC mô tả 3 kịch bản thuế quan tiềm năng. Trong đó, kịch bản đầu tiên sẽ là mức thuế 60% đối với hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Kịch bản thứ hai, mức thuế 10% sẽ được áp lên các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có ASEAN, cùng mức 60% cho hàng Trung Quốc.
Kịch bản cuối cùng là mức thuế 20% lên các đối tác thương mại của Mỹ, và mức 60% cho hàng Trung Quốc.
Dù Malaysia có nền xuất khẩu khá đa dạng, OCBC ước tính rằng thuế quan có thể khiến tăng trưởng kinh tế của quốc gia này giảm đến 0,9 điểm phần trăm (pp) trong kịch bản thứ 2 và 1,5 pp trong kịch bản thứ 3. Trong kịch bản nhẹ nhất, Malaysia chỉ bị giảm tăng trưởng 0,2 pp.
Báo cáo bổ sung: “Riêng mức thuế cao đối với Trung Quốc đã có thể tác động gián tiếp đến Malaysia do nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc, nhưng lại có thể bù đắp phần nào nhờ các khoản đầu tư gia tăng theo chiến lược ‘Trung Quốc +1’”.
Thuế quan Mỹ cũng gây áp lực lên ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Malaysia, theo CNA.
Vào tháng 11, Mỹ đã bắt đầu áp thuế lên hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ một số nước ASEAN như Thái Lan, Campuchia và Malaysia. Trong đó, thiết bị năng lượng mặt trời từ Malaysia chịu thuế 9,13%, còn cao nhất là Thái Lan với 23,06%.
Thuế quan này đã khiến nhiều công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại Malaysia thu hẹp hoạt động hoặc trì hoãn kế hoạch mở rộng.
Ông Ken Ong, CEO của công ty năng lượng mặt trời Helios Photovoltaic, chia sẻ rằng một số công ty Trung Quốc tại Malaysia đang xem xét lại kế hoạch đầu tư sau các mức thuế mới. Một quan chức tại Khu công nghệ cao Kulim cho hay, công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc Risen Technology đã “tạm dừng một dây chuyền sản xuất để giảm sản lượng”.
Tập đoàn Jinko Solar được cho là đã đóng cửa cơ sở tại Penang (Malaysia) và cắt giảm nhân công, trong khi các công ty năng lượng mặt trời khác của Trung Quốc cũng đang lo ngại về tương lai tại Đông Nam Á.
Theo New Straits Times, CNA