CEO Jensen Huang đến Việt Nam uống bia, ăn phở: Người rửa bát mang ước mơ khởi nghiệp, đưa công ty 3 lần suýt phá sản thành hãng chip nghìn tỷ USD
(Thị trường tài chính) - Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm CEO của Nvidia là nguồn cảm hứng lớn của nhiều người. Với tầm nhìn chiến lược và khả năng lãnh đạo xuất sắc, ông đã đưa Nvidia từ một công ty khởi nghiệp nhỏ thành gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới.
Từ người rửa bát đến ông chủ hãng chip hàng đầu thế giới
Jensen Huang sinh ngày 17/2/1963 tại Đài Loan (Trung Quốc). Khi mới 10 tuổi, ông đã cùng gia đình di cư sang Mỹ. Thời niên thiếu, ông sống ở Kentucky và sau đó là Oregon.
Ông học Trung học tại trường Aloha High School ở Beaverton, nơi ông bắt đầu bộc lộ niềm đam mê với kỹ thuật và máy tính. Sau đó, ông tốt nghiệp cử nhân Kỹ thuật Điện tại Đại học Oregon State năm 1984 và lấy bằng Thạc sĩ Kỹ thuật Điện tại Đại học Stanford năm 1992. Hành trình học tập xuất sắc này đã đặt nền tảng cho sự nghiệp thành công sau này của ông.
Ít ai biết, trước khi khởi nghiệp, ông từng là người rửa bát đĩa, dọn bàn và phục vụ bàn từ năm 1978 đến 1983 tại chuỗi nhà hàng Denny's. Thậm chí, ông từng nói rằng nếu không có kinh nghiệm làm bồi bàn trong nhà hàng, ông sẽ không trở thành người lãnh đạo như ngày nay.
Vị tỷ phú giải thích mình từng là một người nhút nhát, nhưng khi phụ trách nhận đơn đặt hàng từ khách, ông đã có thể giao tiếp với người lạ và biết thỏa hiệp trong những tình huống căng thẳng ngoài tầm kiểm soát.
Năm 1993, Jensen Huang cùng hai cộng sự Chris Malachowsky và Curtis Priem quyết tâm khởi nghiệp và thành lập Nvidia tại California, Mỹ với nguồn vốn 40.000 USD. Được biết, Malachowsky và Priem vốn là kỹ sư tại công ty Sun Microsystems, trong khi Jensen Huang làm việc tại công ty LSI Logic.
Ban đầu, Nvidia tập trung vào phát triển các con chip chuyên dụng mang lại đồ họa 3D chân thực hơn cho game. Đến năm 1999, Nvidia ra mắt GPU (bộ xử lý đồ họa) đầu tiên mang tên GeForce 256, mở ra một kỷ nguyên mới cho đồ họa máy tính.
Trong suốt những năm 2010, Huang đã chuyển hướng Nvidia từ một công ty chỉ tập trung vào đồ họa sang đa dạng với trí tuệ nhân tạo, siêu máy tính và xe tự hành. Những sản phẩm của Nvidia, đặc biệt là các GPU dòng GeForce và kiến trúc CUDA, đã trở thành công cụ quan trọng trong nghiên cứu AI và học sâu (deep learning).
Nvidia cũng tạo sự khác biệt bằng cách gia công phần mềm sản xuất chip của mình cho các đối tác, một chiến lược rất khác so với chiến lược của Intel.
Đầu năm 2022, Nvidia công bố bước đột phá quan trọng - H100, bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất từng chế tạo, nhưng gần như không được quan tâm.
Phải đến tháng 11 cùng năm, ChatGPT được ra mắt, mọi thứ mới thay đổi. Chỉ hai tháng sau, cơn sốt AI tạo sinh đã bùng nổ toàn cầu. Từ đó, nhu cầu xây dựng các trung tâm dữ liệu để huấn luyện AI đã khiến chip H100 trở thành mặt hàng hot.
Nvidia theo đó nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ USD cùng với Apple, Microsoft, Google và Amazon.
Hiện Nvidia đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Chốt phiên giao dịch ngày 5/11, vốn hóa của Nvidia đã đạt 3.430 tỷ USD - đánh dấu lần thứ hai trong năm nay vươn lên vị trí công ty giá trị nhất thế giới.
Lần đầu là vào ngày 18/6 khi vốn hóa đạt 3.340 tỷ USD. Hãng chip đã chỉ mất 96 ngày để tăng vốn hóa từ mốc 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ USD, trong khi Microsoft cần 945 ngày còn Apple là 1.044 ngày.
Ba lần suýt phá sản
Nhưng Nvidia cũng gặp không ít khó khăn và có 3 lần suýt phá sản. Thất bại lớn đầu tiên của hãng liên quan đến hợp đồng cung cấp chip 3D quan trọng mà Nvidia giành được để giúp công ty Sega (Nhật Bản) phát triển một máy chơi game. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng trong ngành game đã buộc Nvidia từ bỏ hợp đồng này và suýt phá sản nếu như không nhận được sự hỗ trợ của phía Sega.
Lần 2 là do quyết định tích hợp nhân xử lý CUBA vào tất cả chip GPU của Nvidia vào năm 2007 - cho phép chúng phân tích dữ liệu bên ngoài tính năng xử lý đồ họa 3D. Đây là quyết định đầu tư tốn kém và phải theo đuổi trong dài hạn. Nhưng thực tế, nó đã không tạo ra thành quả trong nhiều năm cho đến khi chip GPU bắt đầu sử dụng cho các thuật toán máy học.
Cuối cùng là vào năm 2010 khi Nvidia đầu tư mạnh cho chip điện thoại di động. Tuy nhiên, khi thị trường trở nên cạnh tranh khốc liệt, Nvidia nhanh chóng rút lui và chịu tổn thương lớn về doanh thu.
Những thất bại này đã trở thành bài học quan trọng cho ông Jensen Huang và Nvidia, chứng minh rằng sự điều chỉnh chiến lược kịp thời có thể mang lại những cơ hội lớn hơn trong tương lai.
CEO Nvidia đến Việt Nam uống bia, ăn phở
Ông Jensen Huang nổi tiếng với phong cách lãnh đạo quyết đoán, sáng tạo và luôn hướng đến tương lai. Ông thường xuyên xuất hiện trong các sự kiện công nghệ lớn, mặc áo da biểu tượng, truyền tải sự tự tin và niềm đam mê với công nghệ.
Ngoài công việc, Jensen Huang được biết đến là người thân thiện và giản dị. Hiện ông đang sở hữu khối tài sản hơn 120 tỷ USD và giàu thứ 11 thế giới.
Mới đây, ông Huang đã đến Việt Nam lần 2. Cụ thể, chiều ngày 5/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với ông Jensen Huang. Theo đó, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia đã ký Thỏa thuận hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Đặc biệt, sau buổi làm việc, tối ngày 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Huang cũng đã có mặt trên phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) để thưởng thức bia phố cổ cũng như các món ăn Việt Nam. Ông Huang đã liên tục vẫy tay chào và ký tặng người dân.
Thêm nữa, theo nguồn tin của báo điện tử VnExpress, sáng ngày 6/12, ông Huang đã có mặt tại Bát Đàn để thưởng thức món phở Hà Nội.