Xuất khẩu năm 2023 kỳ vọng cán đích hơn 350 tỷ USD
(Thị trường tài chính) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây đã rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tín hiệu khả quan cho thấy xuất khẩu năm 2023 sẽ về đích với con số hơn 350 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng dương
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đáng chú ý, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật nhất phải kể đến các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng cả về giá trị và lượng so với tháng trước như: gạo đạt 462 triệu USD, tăng 13,5%; cao su đạt 343 triệu USD, tăng 16,6%; cà phê đạt 252 triệu USD, tăng 59,9%... Trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo; 2,7 triệu tấn sắn và sản phẩm của sắn; 1,9 triệu tấn cao su; 1,4 triệu tấn cà phê.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 11 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. 11 tháng qua, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 75,5 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 11,1%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD, tăng 127,2%
Phân tích về bức tranh xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây do được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Cụ thể là, hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân do các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng. Đồng thời, đẩy mạnh các thông tin từ các thương vụ về các quy định mới của thị trường nước sở tại liên quan đến xuất nhập khẩu bền vững để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp.
Đơn cử, một số thông tin quan trọng từ các thị trường trọng điểm đã được Bộ Công Thương cung cấp cho doanh nghiệp như: tại thị trường châu Âu (EU), Thỏa thuận Xanh châu Âu là một chính sách mới mà phía châu Âu đặt ra để đạt được sự trung lập về khí hậu. Một số chính sách, chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Cơ chế sẽ được giới thiệu dần dần cho đến cuối năm 2025 và sau đó sẽ được áp dụng đầy đủ vào năm 2026.
Hay tại thị trường Canada, từ chính phủ đến người dân đều phải có trách nhiệm giảm cacbon trong các quy định tiêu dùng. Các doanh nghiệp Canada cũng có xu hướng tìm kiếm các đối tác nhập khẩu có cùng mối quan tâm, cùng năng lực với mình. Ví dụ da giày, dệt may, nội thất đều phải quan tâm sản xuất xanh, sản xuất sạch, sử dụng vật liệu tái chế…
"Các quy định này chính là rào cản phi thuế quan rất bất lợi cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì xuất khẩu vào 2 thị trường này" – ông Trần Thanh Hải lưu ý.
Đề cập về giải pháp đa dạng hóa thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại (FTA), cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE (các Tiểu vương quốc Ả Rập) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong những FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA.