Trái phiếu doanh nghiệp ấm lên, áp lực đáo hạn hiện hữu
(Thị trường tài chính) - Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ tháng 10/2023 cao hơn gấp 2,5 lần tháng 9/2023. Thị trường ấm lên, tuy nhiên, nỗi lo đáo hạn trái phiếu những tháng cuối năm là áp lực đã hiện hữu.
Tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ tháng 10/2023 cao hơn gấp 2,5 lần
Sau hơn 3 tháng chính thức đi vào hoạt động, tính đến cuối tháng 10/2023, thị trường trái phiếu DN (TPDN) riêng lẻ đã có tổng cộng 451 mã trái phiếu DN của 114 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch tại HNX. Trong đó, có 334 mã trái phiếu DN đăng ký giao dịch trong tháng 10/2023.
Các tổ chức phát hành có giá trị TPDN riêng lẻ đăng ký giao dịch lớn nhất gồm HDBank với 21.920 tỷ đồng/27 mã trái phiếu, Techcombank 19.950 tỷ đồng/10 mã trái phiếu, MB 18.305 tỷ đồng/42 mã trái phiếu, Vietinbank 14.955 tỷ đồng/35 mã trái phiếu và BIDV 13.255 tỷ đồng/20 mã trái phiếu.
Trong tháng 10/2023, tổng khối lượng giao dịch TPDN riêng lẻ toàn thị trường đạt 102.685.383 trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 29.292,27 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 4,66 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.331,47 tỷ đồng/phiên, gấp 2,5 lần so với tháng 9.
Trong đó, trái phiếu có giá trị giao dịch cao nhất là trái phiếu Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt với 3.827,1 tỷ đồng, tiếp theo là trái phiếu Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living với 3.469,5 tỷ đồng, trái phiếu Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast với 2.226 tỷ đồng, trái phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với 2.033,1 tỷ đồng và trái phiếu Công ty Cổ phần Phú Thọ Land với 1.771,4 tỷ đồng.
Trong tháng 10/2023, thị trường trái phiếu DN riêng lẻ có thêm 7 thành viên giao dịch mới gồm CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), CTCP Chứng khoán HD, CTCP Chứng khoán Rồng Việt, CTCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán Vietcap, Công ty TNHH Chứng khoán SHINHAN Việt Nam và CTCP Chứng khoán Stanley Brothers, nâng tổng số thành viên giao dịch lên 20 thành viên.
Trên thị trường sơ cấp, tổng số đợt đăng ký phát hành trong tháng 10/2023 là 40 đợt đăng ký trong nước với tổng giá trị đăng ký là 45.746 tỷ đồng. Tổng số đợt phát hành thành công trong tháng là 42 đợt với tổng giá trị phát hành là 44.894 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân 3,9 năm, lãi suất phát hành bình quân là 8,38%, trong đó, toàn bộ là phát hành trong nước.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các DN đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ; khối lượng phát hành tăng dần qua từng tháng.
Tính toán của Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Theo đó, khối lượng TPDN đáo hạn trong 3 tháng cuối năm 2023 là 61.600 tỷ đồng.
Bộ này cũng nhận nhiều đơn thư đơn thư khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến vụ việc Ngân hàng SCB - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn thư của người dân đến gửi tiết kiệm được một số ngân hàng mời chào mua TPDN. Các đơn thư này đang được Lãnh đạo Bộ giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì xử lý.
Ở góc độ khác, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings Lê Hồng Khang cho biết, thực tế phát triển của thị trường TPDN nói riêng cũng như các thị trường vốn nói chung đã cho thấy có những sự xộc xệch nhất định. Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực về quy mô thị trường TPDN/GDP, sau Malaysia, Singapore và Thái Lan. Xếp hạng tín nhiệm tại các nước này đã hình thành khá lâu, như Malaysia có đơn vị xếp hạng tín nhiệm đầu tiên từ năm 1990 và đến nay tỷ lệ trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm đã đạt trên 54%.
Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn khá sơ khai và mới chỉ có 3 đơn vị được cấp phép, dẫn đến thị trường thiếu thông tin đánh giá về DN có khả năng so sánh tương đối về chất lượng tín dụng. Thị trường cũng thiếu sự đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thiếu sự chuẩn hóa thông tin và đường cong lãi suất tham chiếu để định giá lãi suất…
“Vậy, làm thế nào để hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn thị trường vốn?” - ông Khang đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là một giải pháp. Việc phát triển xếp hạng tín nhiệm là cơ sở hạ tầng quan trọng để giúp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư tham gia trên thị trường vốn nợ, đồng thời đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường tạo tiền đề cho việc tăng cường huy động vốn vay trung và dài hạn.
Về mua lại TPDN, từ đầu năm các DN đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỷ (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các DN đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.
Nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 95% tổng khối lượng phát hành (chủ yếu là ngân hàng chiếm 61%), các nhà đầu tư cá nhân mua 5%. Trên thị trường thứ cấp tính đến 30/6/2023, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ TPDN riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỷ đồng).
Đại diện Bộ Tài chính yêu cầu, các DN còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu. Hiện các DN đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn. Đối với các DN gặp khó khăn, căn cứ Nghị định 08 của Chính phủ có thể thực hiện theo các phương án cụ thể. Đó là đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đã làm việc trực tiếp các DN có dư nợ trái phiếu lớn. Bộ Tài chính yêu cầu, DN phát hành yêu cầu DN có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trường hợp có khó khăn phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp.
Đồng thời, DN phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai, minh bạch, công bố thông tin về tình hình của DN để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư
Một số giải pháp khác để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN cũng đang được triển khai. Đó là theo dõi thanh toán TPDN đến hạn; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát.
Bộ cũng nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
Xếp hạng tín nhiệm không phải là cây đũa thần, nhưng sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư có thêm cơ sở để đa dạng hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Mặt khác, DN cũng cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đây là điều cần sự nỗ lực của nhiều bên.
Tổng Giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân