Thị trường ngành đồ uống có cồn năm 2024: Không mấy lạc quan
Thitruongtaichinh - Giá nguyên liệu tăng cao, sức tiêu thụ giảm, chính sách giảm tác hại lạm dụng của rượu, bia là những nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến doanh số của các DN ngành đồ uống có cồn năm 2023.
Do vậy, những kỳ vọng về việc đột phá doanh thu, lợi nhuận của ngành đồ uống có cồn trong năm 2024 được dự báo không khả quan.
Bức tranh kinh doanh ảm đạm
Năm 2023 ghi nhận sự “tụt dốc” doanh số của các công ty sản xuất, phân phối mặt hàng đồ uống có cồn. Điều này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh rượu, bia rơi vào cảnh lao đao, phải chật vật tìm cách tồn tại.
Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (Công ty Việt Hà) là một DN đầu tư đa ngành với nhiều thương hiệu, trong đó nổi trội nhất là bia Việt Hà. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty, kinh doanh mấy năm gần đây của DN không mấy suôn sẻ, trong bối cảnh ngành đồ uống có cồn đối mặt loạt thách thức.
Năm 2023, Việt Hà đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập đạt 337 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả không đạt như kỳ vọng. Cụ thể theo báo cáo, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm bia đạt 16,35 triệu lít, bằng 71,1% so với kế hoạch năm và bằng 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm rượu đạt 440 lít, chỉ bằng 10,8% so với kế hoạch và bằng 75% so với cùng kỳ.
Lý giải về nguyên nhân, lãnh đạo Việt Hà cho biết, hãng đã quyết định tăng giá bán các sản phẩm bia hai lần một năm, gây ra phản ứng khá tiêu cực. Mặc dù dưới áp lực tăng giá nguyên vật liệu, các hãng bia đều có động thái tăng giá nhưng Việt Hà vẫn chịu áp lực lớn. Một lý do lớn khác nữa là Nghị định 100/NĐ - CP của Chính phủ (Nghị định 100) tiếp tục gây ra tác động trực tiếp và mang tính dài hạn.
Báo cáo tài chính quý 4/2023 của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương cho thấy, DN này trải qua kỳ kinh doanh không mấy thuận lợi. Mặc dù cả năm 2023, công ty lãi sau thuế 6 tỷ đồng, song con số này giảm gần 43% so với năm 2022. Đáng chú ý, quý IV/2023, doanh thu thuần của DN này đạt 26,8 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả đạt được nâng doanh thu cả năm 2023 lên 166 tỷ đồng, tăng 9% so với 2022.
Tuy nhiên, kỳ này giá vốn đội lên, đạt gần 25 tỷ đồng (tăng 28% so với quý IV/2022). Bởi vậy lợi nhuận gộp thu hẹp, chỉ còn gần 2 tỷ đồng, giảm 47%. Cả năm 2023, lợi nhuận gộp của DN chỉ đạt 35 tỷ đồng, giảm khoảng 17%. Ngoài giá vốn, chi phí bán hàng cũng có xu hướng tăng.
Còn với Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), năm 2023, lợi nhuận của công ty giảm chủ yếu do sản lượng giảm. Sản lượng sản xuất bằng 79%, còn sản lượng tiêu thụ chỉ bằng 74% so với cùng kỳ. Trong khi giá nguyên vật liệu chính như: mạch nha, gạo, đường tăng mạnh ảnh hưởng giá thành, từ đó kéo lợi nhuận DN giảm.
Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt nhận định, ngành đồ uống có cồn đã có một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Bên cạnh đó, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20 - 30%.
Trước thực trạng này, các DN ngành đồ uống có cồn (rượu, bia) đã có những bước chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh. Một số hãng đã bắt đầu chuyển đổi sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây. Ví dụ như Heineken với sản phẩm bia 0,0% độ cồn hay thương hiệu Chill (Công ty CP Goody Group) với đa dạng các dòng cocktail hoa quả đóng chai với độ cồn trong khoảng 4,5%…
Đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2024
Theo báo cáo phân tích của VIRAC (Công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu ngành, DN, thị trường), ngành bia Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kép là 11%/năm trong giai đoạn 2023 - 2026. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ của ngành bia nói chung không đạt được như kỳ vọng. Ngoài nguyên nhân do tác động củ Nghị định 100, theo VIRAC giá nguyên liệu sản xuất thời gian tới dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành rượu, bia.
“Sức tiêu thụ rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế mà còn là xu hướng tất yếu tương lai. Việc chi tiêu cho các đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ giảm dần và chính sách pháp luật của Việt Nam cũng hạn chế người dân tiêu thụ đồ uống có cồn” - báo cáo phân tích của VIRAC nêu rõ.
Nhiều chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận, việc tiêu thụ quá nhiều rượu, bia có thể gây hại cho sức khỏe và gây ra nhiều vấn đề xã hội. Đến nay, lượng tiêu thụ bia, rượu giảm đi có thể được coi như một dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý lượng tiêu thụ bia, rượu giảm sẽ tác động tiêu cực đến các ngành liên quan như đơn vị như: cho thuê mặt bằng, nhà cung cấp dịch vụ ăn uống, du lịch...
TS Vũ Vinh Phú cho rằng, cần thiết có giải pháp để hài hòa cả việc đảm bảo sức khỏe, an toàn giao thông cũng như kích cầu nền kinh tế. Nhưng đây là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự thay đổi tư duy lẫn nhận thức hành vi của người dân. Người dân cũng cần chấp hành tuyệt đối không lái xe sau khi dùng rượu, bia bằng cách đi xe ôm, taxi, phương tiện giao thông công cộng, thuê lái xe...
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khuyến nghị, cơ quan quản lý cần nâng cao vai trò trong việc điều tiết bằng thuế và các giải pháp vĩ mô khác... Thực tế, việc giảm tiêu thụ rượu, bia là một xu thế tất yếu cả trên thế giới chứ không riêng Việt Nam. Như tại Đức, mấy năm trước mức tiêu thụ bình quân đầu người là 50 lít bia/người, giờ đã giảm hẳn vì họ ý thức được tác hại của việc uống nhiều rượu, bia tới sức khỏe và vóc dáng.
“Nói hạn chế rượu, bia nhiều người sẽ không thích, nhưng xu thế giảm rượu bia sẽ là tất yếu, muốn hay không cũng phải chấp nhận. Bây giờ giới trẻ cũng hạn chế rượu, bia nhiều, họ chuyển sang các đồ uống khác nhiều hơn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Nói về vấn đề áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, DN ngành rượu, bia đang gặp khó khăn nên việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến DN thêm gánh nặng. Bởi, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2024 cũng đồng nghĩa buộc DN phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gián tiếp ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước cũng như cân đối ngân sách của các địa phương. Vì vậy, cần tính lộ trình và thời điểm tăng thuế sao cho phù hợp để giúp các DN vượt qua khó khăn và phục hồi.