Temu ngừng hoạt động đột ngột, người mua lo mất hàng, mất tiền
(Thị trường tài chính) - Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau yêu cầu của Bộ Công Thương, do các đơn hàng từ nền tảng này không được thông quan vào Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, Sàn thương mại điện tử Temu đã nộp hồ sơ đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa hoàn thiện. Trong thời gian chờ cấp phép, Temu buộc phải ngừng mọi hoạt động thương mại, dịch vụ và quảng cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Dẫu vậy, Temu vẫn cho phép người dùng có thể đặt hàng và thanh toán trên nền tảng này như bình thường. Nhiều khách hàng phản ánh đã bị trừ tiền qua thẻ tín dụng mà không nhận được hàng do các lô hàng từ Temu bị cơ quan Hải quan từ chối thông quan.

Chị Thanh Thảo, một khách hàng tại Hà Nội, cho biết đã đặt mua một số mặt hàng gia dụng trên Temu trị giá gần một triệu đồng vào tháng 11. Tuy nhiên, sau hai tuần chờ đợi, chị không nhận được hàng và cũng không thể liên lạc với bộ phận hỗ trợ của Temu. “Họ đã trừ tiền thẻ tín dụng ngay khi tôi đặt mua, nhưng sau đó không hề có thông báo cụ thể nào về tình trạng đơn hàng. Bây giờ tôi cũng không biết tiền có được hoàn về hay mất trắng”, chị bức xúc chia sẻ.
Trước đó, Bộ Công Thương từng cảnh báo rằng, các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam thường không chịu sự giám sát về chất lượng hàng hóa, dịch vụ hậu mãi, cũng như không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa khi xảy ra tranh chấp, người mua phải đối mặt với quy trình khiếu nại phức tạp và tốn kém thời gian. Ngoài ra, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là rất cao.

Cơ quan quản lý nhấn mạnh, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới còn tiềm ẩn rủi ro bảo mật thông tin. Khách hàng thường phải cung cấp thông tin thanh toán quốc tế, như số thẻ tín dụng, nhưng nếu những dữ liệu này không được quản lý chặt chẽ, nguy cơ bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép là không nhỏ.
Để tăng cường quản lý, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn phải khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký và tuân thủ các quy định liên quan, bao gồm thuế và hải quan, trước ngày 30/11.
Đến thời điểm này, giao diện Temu đã chuyển đổi hoàn toàn sang tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp, ngừng hỗ trợ tiếng Việt cho đến khi hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiếp tục kéo dài, người tiêu dùng Việt Nam cần cân nhắc kỹ trước khi mua sắm qua nền tảng này để tránh rủi ro tài chính và pháp lý.
Trước đó, vào tháng 11, Temu cũng có động thái nâng giá trị đơn hàng tối thiểu lên 887.000 đồng và giới hạn tối đa ở mức 1 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa nếu muốn mua hàng trên Temu, người dùng sẽ phải chi tiêu trong khoảng 887.000 đồng đến 1 triệu đồng/đơn.