Phát triển trái phiếu doanh nghiệp: Hướng đến hiệu quả, an toàn, bền vững
(Thị trường tài chính) - Thời gian qua, mặc dù đã được cải thiện, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa đạt như kỳ vọng, vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Phát triển thị trường TPDN cần phải giảm thiểu những rủi ro.
Thị trường phục hồi
Thị trường TPDN có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế. TPDN là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung và dài hạn đối với sự phát triển bền vững của DN. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng.
Từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trong và ngoài nước, thị trường TPDN bị tác động nặng nề. Nhà đầu tư mất niềm tin, DN bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt, từ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh...
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết: “Chính phủ khẩn trương và kịp thời ban hành Nghị định 08, trong đó cho phép DN và nhà đầu tư có thể có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên”.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, DN đã quay lại phát hành được trái phiếu. Quý I hầu như không có đợt phát hành nào, từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 DN phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.
“Cũng theo các quy định của Nghị định 08, DN và nhà đầu tư trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 DN đến nay đã có phương án đàm phán. Tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023”, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay.
Ngoài ra, những DN bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn. Cùng với đó, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường. Bộ Tài chính thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro trên thị trường với nhà đầu tư, DN phát hành, tổ chức trung gian tài chính.
Đồng thời, hệ thống TPDN riêng lẻ tập trung được vận hành là điểm quan trọng làm tăng thanh khoản. Theo thống kê của HNX, đã có khoảng 760 mã TPDN của khoảng 200 tổ chức phát hành được đưa lên hệ thống này, qua đó tăng thanh khoản cho thị trường, tăng khoảng 20 - 30 lần so với giai đoạn trước. Điều này rất quan trọng, tăng công khai, minh bạch cho thị trường.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ: “Chúng ta đã phát triển một số điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn, ví dụ thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã bắt đầu vận hành. Các chính sách đó dẫn đến thị trường TPDN đang phục hồi, số liệu đến nay đã phát hành khoảng 240 nghìn tỷ đồng, trong đó có 220 nghìn tỷ đồng phát hành TPDN riêng lẻ, 20 nghìn tỷ đồng phát hành trái phiếu ra công chúng”.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ: “Để bảo đảm an toàn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, cần hành động của tất cả các bên. Đầu tiên, chúng ta phải hành động đồng bộ, thống nhất, toàn diện, đấy là về mặt thể chế, chính sách, phát triển hơn nữa thị trường TPDN.”
Bàn luận về vấn đề này, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng: “Chúng ta phải đồng bộ chính sách thì mới tháo gỡ được các khó khăn của thị trường. Ví dụ thị trường DN sẽ liên thông với thị trường tín dụng cũng cần tiếp tục tháo gỡ như nêu ở trong Chỉ thị 1177”.
Hiện nay Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới chúng ta sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, có 3 điều kiện, điều khoản mà hiện Nghị định số 08 đã cho phép giãn, hoãn. Sắp tới quay trở lại áp dụng Nghị định số 65, chúng ta tiếp tục áp dụng như thế nào?
Ông Phan Đức Hiếu cho biết thêm:“Tôi cho rằng cần rà soát ngay từ bây giờ Nghị định 08, cái gì sẽ tiếp tục áp dụng và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng Nghị định 65. Việc này hết sức cần thiết và phải làm khẩn trương. Công việc thì như vậy, nhưng phải có nguyên tắc nữa. Đó là vẫn phải tạo thuận lợi cho thị trường phát triển trong năm 2024”.
“Về tiêu chuẩn với nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân tôi nghĩ nên cân nhắc thêm, có thể phân loại trái phiếu sắp tới đây sẽ phát hành mới với chuẩn mới của nhà đầu tư theo Nghị định 65 chẳng hạn” - ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Cần xem xét Nghị định 08 trong bối cảnh phù hợp với thực tế Việt Nam, đồng thời cũng phải tính đến tương lai tăng trưởng sắp tới của thị trường trái phiếu, gọi là bền vững, xanh, minh bạch, an toàn.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: “Chúng tôi vẫn phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát những đối tượng tham gia vào thị trường TPDN để duy trì, và tăng tính minh bạch của thị trường trong thời gian tới”. Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải thúc đẩy tinh thần vượt lên trên sự tuân thủ của chính các tổ chức phát hành và của các nhà đầu tư.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Phải nâng cao ý thức cho cả DN, nhà đầu tư và các bên có liên quan; tăng cường truyền thông về giáo dục tài chính. Như tôi nhiều lần đề xuất là chúng ta nên đưa giáo dục tài chính vào chương trình học cấp 3 như một môn học phổ thông giống như nhiều nước khác đang làm”.
“Chúng ta cần sự hành động của tất cả các bên liên quan tới thị trường TPDN và hành động vì lợi ích của chính chúng ta. Đây cũng là cơ hội để bứt phá và sàng lọc” - ông Phan Đức Hiếu nói.