“Lúng túng” đăng ký thuế bằng mã định danh

Thạch Bình- Thời báo Ngân hàng

Mặc dù cơ quan thuế ở các địa phương đang tích cực trong việc chuyển đổi mã số thuế theo mã định danh cá nhân, tuy nhiên việc cập nhật dữ liệu thông tin cá nhân và tích hợp mã số thuế tương ứng vẫn còn gây nhiều lúng túng cho người dân, doanh nghiệp.

Đăng ký điện tử vẫn cần phải đến cơ quan thuế

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạp hóa, buôn bán online tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… hiện nay, việc đăng ký mã số thuế, tích hợp trên cổng thông tin dữ liệu công dân mất nhiều thời gian. Việc thay đổi, cập nhật căn cước công dân vào mã số thuế cũng gây khó khăn đáng kể cho người dân và các doanh nghiệp buôn bán nhỏ.

Người dân vẫn phải đến cơ quan thuế để hoàn tất các thủ tục đăng ký mã số thuế
Người dân vẫn phải đến cơ quan thuế để hoàn tất các thủ tục đăng ký mã số thuế

Tại Chi cục Thuế quận 3, TP. Hồ Chí Minh, cơ quan này hướng dẫn người dân chọn 1 trong 2 cách để cập nhật căn cước công dân vào mã số thuế thu nhập cá nhân áp dụng theo Quyết định 06/QĐ-TTg. Theo đó, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập trang điện tử của ngành thuế (thuedientu.gdt.gov.vn) để đăng ký tài khoản thuế điện tử. Tuy nhiên khi đăng ký xong, họ bắt buộc phải đến trực tiếp cơ quan thuế (bất kỳ) để kích hoạt và đăng nhập tài khoản. Để thực hiện các bước này, người dân phải tải mẫu, kê khai theo mẫu thay đổi thông tin (cả trên điện tử và giấy, đính kèm nhiều giấy tờ theo yêu cầu), sau đó nộp bản khai và chờ cơ quan thuế phê duyệt. Cách thứ hai là người dân đến trực tiếp cơ quan thuế nơi cư trú để đăng ký và thực hiện các bước tương tự.

Chị Nguyễn Thị Mai Hiền, chủ một quán trà sữa tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức cho rằng, việc vừa yêu cầu kê khai đăng ký trên điện tử, vừa bắt buộc phải đến cơ quan thuế là rất mất thời gian và bất tiện. “Trước giờ, tôi buôn bán nhỏ nên không quan tâm đến việc lập mã số thuế. Dạo trước, tôi có tạo mấy cái tài khoản tiktok shop, zalo để bán hàng online nhưng khi cài đặt thì họ yêu cầu cập nhật số điện thoại chính chủ và mã số thuế cá nhân. Mà đến phần mã số thuế là mù tịt rồi. Vào Google tìm hiểu thì thấy họ hướng dẫn làm rất phức tạp, vừa tải app làm trên điện thoại, vừa phải điền mẫu, đến cơ quan thuế đăng ký, nên thôi”, chị Hiền cho biết.

Đối với những người dân, hộ kinh doanh nhỏ, việc cảm thấy bất tiện, mất thời gian như chia sẻ của chị Hiền kể trên là khá phổ biến. Chưa kể, không phải việc đăng ký, đăng nhập vào tài khoản trên trang thông tin điện tử của ngành thuế lúc nào cũng thuận tiện và được cập nhật nhanh chóng.

Trên thực tế, theo đánh giá của các chủ cửa hàng bán online, các ứng dụng điện tử của ngành thuế có mức độ tích hợp thông tin còn hạn chế, việc upload, đính kèm các tệp file thường hay gặp trục trặc, phải làm đi làm lại nhiều lần. Ngoài ra, khi đăng ký thay đổi thông tin, nếu vì bất cứ lý do gì mà mã số thuế không trùng khớp với căn cước công dân hoặc xuất hiện nhiều mã số thuế cho cùng một tài khoản thì hệ thống phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế sẽ từ chối đăng ký trực tuyến, người dân và doanh nghiệp bắt buộc phải đến trụ sở cơ quan thuế để thực hiện thay đổi thủ công.

Nâng cấp công nghệ và chủ động hỗ trợ

Thừa nhận những bất cập và chưa tiện lợi trong hoạt động hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuẩn hóa dữ liệu về mã số thuế, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thuế địa phương rà soát và xử lý kịp thời các trường hợp người nộp thuế có nhiều mã số thuế. Theo đó, về mặt đăng ký trực tuyến, từ tháng 1/2024, Hệ thống quản lý thuế TMS đã bỏ chặn điều kiện kiểm tra trùng số chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Do vậy, người nộp thuế có thể nộp thuế để hoàn thành các giao dịch chuyển nhượng đất đai, mua xe... trong trường hợp có nhiều hơn một mã số thuế. Người dân, doanh nghiệp cũng có thể thực hiện đóng, hủy mã số thuế theo quy định hoặc thực hiện cập nhật thông tin chính xác của các mã số thuế đang tồn tại. Tuy nhiên, các bước thực hiện vẫn vừa phải thao tác trên cổng thông tin điện tử, vừa phải đến cơ quan thuế để cập nhật.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp buôn bán hàng hóa online, hiện nay, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh. Các ứng dụng quản lý cửa hàng, hỗ trợ vận chuyển và các sàn thương mại điện tử hầu hết đều đã áp dụng chính sách xác thực người dùng (KYC), yêu cầu kê khai số điện thoại chính chủ, số căn cước công dân và mã số thuế để đánh giá uy tín, xếp hạng người bán, người mua. Vì thế, việc tích hợp mã số định danh cá nhân và mã số thuế sẽ rất tiện lợi và được nhiều người dân chủ động thực hiện.

Tuy nhiên, cơ quan thuế và công an các địa phương cần đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ người dân cập nhật và chuẩn hóa các dữ liệu. Trong đó, quan trọng nhất là các thủ tục, thao tác đăng ký, đăng nhập, thay đổi, xác thực thông tin… trên các ứng dụng, cổng thông tin trực tuyến cần phải được rút gọn theo hướng dễ làm và tiện lợi, hạn chế tối đa việc phải đến trực tiếp các cơ quan thuế, cơ quan công an để hoàn tất các thủ tục.

Một số đại lý thuế tại khu vực TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay, nhu cầu thay đổi, cập nhật thông tin mã số thuế, xử lý các trường hợp bị lấy cắp mã số thuế hoặc đóng, hủy các mã số thuế đã có sẵn trên hệ thống rất lớn. Vì thế, song song với việc nâng cấp các phần mềm ứng dụng eTAX Mobile, VNeID, nâng cấp tốc độ xử lý trên cổng thông tin thuedientu.gdt.gov.vn, Bộ Tài chính và Bộ Công an cũng cần chỉ đạo các địa phương tích cực, chủ động hơn trong hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cập nhật thông tin về mã số thuế.

Trong chừng mực nhất định có thể phân quyền, thành lập các tổ chuyên trách và các đại lý ủy quyền tại các địa bàn để tiếp nhận, xử lý kịp thời nhu cầu cập nhật, tích hợp thông tin của người dân. Điều này vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mở rộng các kênh buôn bán kinh doanh, vừa giúp các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.