HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Livestream bán hàng qua mạng: "Chốt" triệu đơn có dễ?

Bảo Nam

(Thị trường tài chính) - Xu hướng Livestream bán hàng qua mạng đang mở thêm cơ hội cho hàng Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời cũng tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, để có thể duy trì livestream, tạo ra lợi nhuận thì các doanh nghiệp cũng cần đầu tư, chú trọng về nhiều mặt.

Xu hướng của thời đại

Là một người khá thành công khi bán hàng qua mạng, chị Phạm Thị Thùy Dung (Học viện Eco Academy) chia sẻ, thương mại điện tử đang là xu hướng của thời đại và đây là một kênh bán hàng tiềm năng cho doanh nghiệp cũng như các nhà bán hàng. 

Livestream bán hàng qua mạng:
Bán hàng trực tuyến lên ngôi và thu hút lượng lớn khách hàng.

Thông qua đó, các sản phẩm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ có thể nhanh chóng đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc. Bán hàng online đã giải được bài toán của hoạt động kinh doanh truyền thống trong việc mở rộng thị trường, giảm chi phí marketing offline, cải tiến hệ thống phân phối… 

Ngoài ra, bán hàng qua mạng cũng giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Không cần quá nhiều khả năng về công nghệ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người ta đã dễ dàng bắt đầu với 

Chị Phạm Thị Thùy Dung cho biết: “Thông qua các nền tảng thương mại điện tử, cá nhân và doanh nghiệp còn có thể gia tăng khả năng gắn kết thân thiết với khách hàng, thông qua hình thức chăm sóc khách hàng trực tuyến. Khi xây dựng thành công mối quan hệ gắn kết với khách hàng sẽ đem đến cho các nhà bán hàng những nguồn lợi nhuận rất lớn, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong tương lai.

Livestream bán hàng qua mạng:
Chị Thùy Dung và Học viện Eco Academy hướng dẫn livestream bán nông sản cho thanh niên huyện Sơn Động - Bắc Giang

Thực tế, câu chuyện kinh doanh online vốn đã có từ lâu. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, loại hình này mới thật sự bùng nổ. Hiệu quả của việc áp dụng chuyển đổi số vào kinh doanh là không thể chối cãi. Xu hướng này đang mở thêm cơ hội cho hàng Việt từ nông sản đến các loại hàng hóa, tiêu dùng khác tiếp cận gần hơn với khách hàng.

Nhờ thương mại điện tử, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết... đã được đẩy mạnh tiêu thụ. 

Kinh tế suy thoái dẫn đến việc kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, áp lực khi chi phí bỏ ra quá lớn. Sự phát triển của mạng xã hội tạo ra rất nhiều cơ hội kiếm tiền mới, giảm thiểu rủi ro cho nhà bán hàng, đồng thời tạo cơ hội gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp.

Từ đây đã mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống; góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

Đầu tư để phát triển

Đi cùng với những lợi ích to lớn thì việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử cũng còn đó những rủi ro, thách thức: giá cả cạnh tranh hơn, sự xung đột về nhà sản xuất và các đại lý khiến nhiều nhà kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trong việc lựa chọn và quản lý nguồn cung ứng.

Đối thủ cạnh tranh đông đảo và mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn chính là một trong những thách thức mà các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hay gặp phải nhất.

“Với nền tảng số, khách hàng chỉ cần một cú vuốt điện thoại là đã có thể chuyển sang livestream của một người khác bán hàng tương tự. Nó không mất thời gian như việc khách hàng phải đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, có khi là từ quận này sang quận kia để tìm một cái mặt hàng giống như thế” - chị Phạm Thị Thùy Dung chia sẻ.

Các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều muốn đưa sản phẩm, dịch vụ mà mình kinh doanh lên mạng, tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Đồng thời livestream bán hàng là giải pháp tốt, không mất phí mặt bằng, dễ dàng bắt đầu.

Nhưng dù ở thị trường truyền thống hay nền tảng số, một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để cạnh tranh với hàng trăm, hàng triệu đối thủ kinh doanh là vấn đề tạo lòng tin với khách hàng. 

“Với kinh nghiệm mà chính mình đã rút ra, các doanh nghiệp phải chú trọng duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các chế độ hậu mãi, chăm sóc sau khi bán để tăng mức độ nhận diện thương hiệu và sản phẩm trên kênh bán hàng online”, chị Phạm Thị Thùy Dung nhấn mạnh.

Livestream bán hàng có thể thực hiện rất đơn đơn giản và dễ dàng với một chiếc điện thoại thông minh, trong một góc phòng nhỏ. Tuy nhiên, để phát triển kênh thương mại điện tử chuyên nghiệp, chỉn chu hơn, cũng cần có sự học hỏi, đầu tư về góc quay, bối cảnh, hệ thống âm thanh, ánh sáng,... 

Hiện nay, các khóa học dạy về kỹ năng livestream, bán hàng trên mạng để giúp nhà kinh doanh chưa có kinh nghiệm tạo được doanh thu trong những ngày đầu. “Sau khi tham gia Chương trình đào tạo cộng đồng cho chủ doanh nghiệp trẻ ở tỉnh Bắc Giang do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, mình đã giúp cho các doanh nghiệp có được đơn hàng trong phiên livestream đầu tiên. Có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân, giúp cho các doanh nghiệp, người bán hàng mới đến với thị trường thương mại điện tử là vinh dự của mình” - chị Phạm Thị Thùy Dung (Học viện Eco Academy) chia sẻ.