Lãi suất tiền gửi xuống đáy, trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị ngó lơ
(Thị trường tài chính)- Sau nhiều “giông tố” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thì lãi suất không còn là yếu tố quyết định để nhà đầu tư tham gia, mặc dù có lãi suất cao gấp 2 đến 3 lần lãi suất ngân hàng, song thị trường TPDN vẫn bị ngó lơ.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm về vùng thấp lịch sử, chỉ 1,6%/năm đối với kỳ hạn ngắn 1 - 2 tháng. Đầu tháng 4 vừa qua, Vietcombank tiếp tục có thông báo giảm lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn 12 tháng trở xuống đối với khoản tiền gửi mở mới của khách hàng cá nhân.
Hình minh họa. |
Khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 1 - 2 tháng tại đây sẽ chỉ nhận được mức lãi suất 1,6%/năm, giảm 0,1 điểm % so với lần điều chỉnh trước đó. 1,6%/năm cũng là mức lãi suất thấp kỷ lục của nhà băng này ghi nhận từ trước đến nay.
Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất Vietcombank niêm yết mới ở mức 1,9%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng nhận lãi suất 2,9%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng này giảm lãi suất, xuống còn 4,6%/năm, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (big4).
Từ kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất được giữ nguyên ở mức 4,7%/năm. Ngoài ra, các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng có lãi suất là 0,2%/năm và không kỳ hạn hưởng lãi 0,1%/năm.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc khối Nguồn vốn và ngoại hối VIB, cho biết lãi suất đang ở mức đáy. Theo dự đoán của ông Trung, từ giờ đến cuối năm, lãi suất liên ngân hàng khoảng 2,5-3%, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5-7%/năm. Ông Trung nhận định mức lãi suất không thể giảm sâu bởi tín dụng đã quay trở lại.
Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động để phù hợp với lợi ích của người gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay và do đó, tỷ giá VND/USD sẽ mất giá khoảng 3%. Nếu lãi suất Việt Nam càng giảm sâu, thì áp lực nặng lên tỷ giá, do đó đây đã là đáy của lãi suất.
Trên thị trường trái phiếu, tính từ đầu tháng 3, có 6 đợt phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp với tổng giá trị 8.245 tỷ đồng, kỳ hạn 18 - 36 tháng và lãi suất sơ cấp 9 - 12%. Trong đó, 94% giá trị phát hành thuộc nhóm ngành Bất động sản.
Theo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Techcombank, hoạt động mua lại TPDN tiếp tục trầm lắng. Trong tháng 3, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 87% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 13,1 nghìn tỷ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 64% so với cùng kỳ.
Dù đang mang lại lợi nhuận gấp đôi gửi tiết kiệm ngân hàng, song kênh đầu tư TPDN vẫn bị ngó lơ, kể cả ở phía doanh nghiệp phát hành lẫn phía nhà đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2018 - 2021, thị trường TPDN tại Việt Nam bùng nổ với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 45%, trong đó chiếm phần lớn giá trị phát hành là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên tới năm 2022, “giông tố” bắt đầu nổi lên trên thị trường TPDN, hàng loạt thông tin tiêu cực xuất hiện. Những sai phạm trên thị trường TPDN được phanh phui, cùng với khủng hoảng pháp lý khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường, dẫn đến hoạt động phát hành TPDN bị ảnh hưởng nặng nề và kéo dài đến cuối năm 2023.
Trong năm nay, nhà đầu tư đã nhận diện được các nhóm ngành rủi ro, các doanh nghiệp rủi ro và tâm lý đã ổn định trước những thông tin chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu. Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định “cửa” huy động vốn trên thị trường trái phiếu vẫn chưa mở toang với các doanh nghiệp…
Việc doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu có thể không còn tạo cú sốc với nhà đầu tư, tuy nhiên cũng chưa thể kỳ vọng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ vào thị trường như giai đoạn trước.
Để các nhà đầu tư tự tin gia nhập thị trường, chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, các tổ chức phát hành phải nâng cao chất lượng của mình, theo đó quản trị doanh nghiệp phải được nâng tầm, hướng vào tính công khai, minh bạch và tính chuyên nghiệp của thị trường.