Kiểm tra doanh nghiệp, người nộp thuế có rủi ro hóa đơn cao
(Thị trường tài chính) - Bên cạnh việc bị phạt hành chính, người nộp thuế còn có thể bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện có hành vi gian lận hóa đơn, hóa đơn điện tử nhằm mục đích trục lợi cá nhân.
Có thể bị xử lý hình sự
Thời gian qua, phần lớn người dân và người nộp thuế (NNT) đã tuân thủ tốt việc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và pháp luật về thuế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng NNT có hành vi gian lận HĐĐT nhằm mục đích trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, hợp pháp hóa các khoản chi phí để chiếm đoạt tiền NSNN.
Tổng cục Thuế cho biết, việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn không chỉ gây thất thu cho NSNN, mà còn gây ra tình trạng thiếu công bằng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về hóa đơn.
Để cảnh báo người dân và NNT về sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, Tổng cục Thuế khuyến cáo, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong trường hợp người phạm tội có hành vi cấu thành tội Trốn thuế sẽ bị xét xử về tội trốn thuế. Trong đó, đối với cá nhân, người phạm tội bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 7 năm; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế thì bị xét xử đối với 4 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Kiểm tra doanh nghiệp, NNT có rủi ro cao
Tổng cục Thuế cho biết, để trục lợi trong việc buôn bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, các đối tượng thường thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này thường có cùng một địa chỉ hoặc văn phòng ảo, kinh doanh nhiều ngành hàng nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, không có phương tiện vận chuyển và thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế để tránh việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, cơ quan chức năng.
Ngoài ra, các đối tượng sẽ mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản sau đó thay đổi người đại diện pháp luật với mục đích để bán hóa đơn không hợp pháp; Thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, nguyên nhiên vật liệu,… nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc hàng ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực tế có hóa đơn đầu ra ít hơn hóa đơn đầu vào như bán lẻ, kinh doanh ăn uống, xăng dầu, cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ,… và có nhu cầu bán hóa đơn khống theo yêu cầu không hợp pháp của khách hàng.
Theo Tổng cục Thuế, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai thuế GTGT đầu vào, hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước; hợp pháp hóa các khoản chi phí không có hóa đơn, chứng từ, các khoản chi khống làm giảm thuế TNDN, thuế TNCN và các loại thuế khác; hợp thức hóa các hàng hóa, dịch vụ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hợp pháp hóa hàng nhập lậu, gian lận thương mại; hàng hóa khai thác trái phép,… hoặc sử dụng cho mục đích khác. Một số đơn vị sử dụng vốn NSNN sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa các khoản chi.
Để phòng chống, ngăn chặn, phát hiện các hành vi mua bán hóa đơn, gian lận HĐĐT của NNT, cơ quan Thuế đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, thực hiện phân tích, rà soát, đối chiếu dữ liệu HĐĐT để xác định doanh nghiệp, NNT có rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra,…
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với Cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan (Hải quan, Ngân hàng,...) để truy vết, xử lý NNT mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn.
Thời gian tới, cơ quan Thuế cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp cung cấp danh sách NNT có rủi ro cao về hóa đơn sang cơ quan công an để tiến hành rà soát, điều tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi mong muốn người dân, NNT chấp hành tốt chế độ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời thông tin đến cơ quan Thuế và cơ quan chức năng những dấu hiệu mua, bán hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra hoặc điều tra và xử lý nếu có vi phạm”, Tổng cục Thuế cho hay.