Hành trình trở thành đại gia nghìn tỷ và bước sa chân vào vòng lao lý của ông Trịnh Văn Quyết
Trước khi bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết từng là vị thuyền trưởng Tập đoàn FLC với hàng loạt dự án bất động sản nghìn tỷ và đồng thời là người sáng lập Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27 tháng 11 năm 1975, tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nói về quá trình dựng nghiệp, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Quyết đã không bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng gia sư và khi tích cóp được chút vốn thì gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di động cũ lúc đó chưa phát triển mạnh. Với thu nhập trung bình chỉ khoảng 300 USD/người (tương đương 3,3 triệu đồng thời điểm đó), không nhiều người Việt sở hữu được một chiếc điện thoại di động, vốn được xem là món hàng xa xỉ với giới kinh doanh, chứ chưa nói đến sinh viên đại học.
Ông Trịnh Văn Quyết từng lọt top người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh: Internet |
Năm 2001, Công ty CP Tư vấn Quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC) được ông Trịnh Văn Quyết thành lập với nhiệm vụ tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ… Năm 2006, Văn phòng Luật sư SMiC được chuyển đổi thành Công ty Luật TNHH SMiC.
Năm 2008, ông Quyết thành lập hàng loạt công ty đầu tư tài chính như: Công ty CP FLC tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Trường Phú, Công ty TNHH SG Invest và Công ty CP Đầu tư Tài chính Ninh Bắc (tiền thân của Công ty TNHH MTV FLC Land) – Chủ đầu tư của Dự án FLC Landmark Tower.
Ông từng nhận xét, việc buôn điện thoại di động cũ cũng có nhiều điểm giống với làm bất động sản sau này, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ phức tạp. Từ toan tính đó, năm 2010, Công ty CP Tập đoàn FLC được thành lập. Tháng 10/2011, cổ phiếu FLC chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến tháng 08/2013, cổ phiếu FLC chính thức chuyển sang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE).
Tuy không phải là người đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng, tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết là người tiên phong trong lĩnh vực Bất động sản - nghỉ dưỡng và sân golf với nhiều dự án lớn như:
Vào tháng 2/2012, khánh thành và đưa vào sử dụng Tổ hợp văn phòng và chung cư cao cấp FLC Landmark Tower.
Tiếp đến tháng 5/2014, khởi công dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn. Thời điểm này, ông Quyết cũng trở thành chủ đầu tư của dự án FLC Complex tại 36 Phạm Hùng, Hà Nội, với tổng diện tích 5.000 m2.
Tháng 6/2015, khởi công dự án tòa nhà FLC Twin Tower tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội.
Tháng 3/2016, khánh thành FLC Vĩnh Thịnh Resort và khởi công giai đoạn 2 quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long và quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình.
Tháng 7/2016, khánh thành Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn.
Trong năm 2019, Tập đoàn FLC khởi công hàng loạt các dự án trên khắp cả nước như: quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), đô thị Đại học FLC (Quảng Ninh), đô thị FLC LaVista Sa Đec (Đồng Tháp) cho đến đô thị FLC Legacy Kontum (tỉnh Kon Tum)…
Song song nhiều “đại dự án”, Tập đoàn FLC cũng rơi vào tình trạng “lắm tai tiếng” về các dự án sai phạm. Cùng với đó là nhiều khoảng vay “khủng” từ các ngân hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số công ty liên quan đến FLC cũng từng bị khách hàng là các nhà thầu kiện vì chậm thanh toán tiền và khách mua nhà giăng băng rôn “đòi nhà” vì chậm tiến độ.
Tham vọng IPO Bamboo Airways
Ngày 31/5/2017, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt được chính thức thành lập với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC đóng góp 100%. Tre Việt có trụ sở tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, tên viết tắt tiếng Anh là Viet Bamboo Airways. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn FLC khi đó, đồng thời giữ chức Chủ tịch của Tre Việt.
Sau đó, FLC Group đã tăng vốn điều lệ lên thành 7.000 tỷ đồng vào tháng 5 năm 2020. Bamboo Airways bắt đầu có các chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/01/2019. Với xuất phát điểm chỉ 6 máy bay vào thời điểm mới cất cánh, đội bay Bamboo Airways chạm mốc 30 máy bay ngay trong quý 1/2020, trong đó có 4 chiếc thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Chiếc Boeing 787-9 đầu tiên đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Bamboo Airways trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên khai thác máy bay thân rộng tại Việt Nam.
Đến tháng 4/2020, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC tại Bamboo Airways là 51,11%, tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết là 37,85%, còn lại các cổ đông khác nhỏ lẻ khác.
Vào cuối năm 2019, ông Quyết từng tuyên bố kế hoạch sẽ IPO Bamboo Airways với mức giá 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu vào năm 2020. Ông cũng định giá hãng hàng không non trẻ đang thua lỗ của mình lên đến hàng tỷ USD. Đặc biệt, hãng hàng không này từng có công văn gửi đến BIDV chào mời quyền tham gia chương trình ưu đãi mua cổ phiếu Bamboo Airways với mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu, cùng cam kết sẽ mua lại với giá 80.000 đồng sau 6 tháng.
Bamboo Airways được xem là một thành công lớn của ông Quyết khi cất cánh sau một khoảng thời gian ngắn chuẩn bị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá đây cũng có thể là dấu chấm hết cho vị doanh nhân này. Đặc biệt, khi mà đại dịch Covid 19 đang tàn phá rất nhiều hãng hàng không trên thế giới và Bamboo Airways cũng đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Hành trình trở thành "người giàu nhất sàn chứng khoán"
Cuối năm 2016, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết vào khoảng hơn 34.000 tỷ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỷ đồng.
Chất xúc tác tới tài sản của ông Quyết không phải đến từ mã FLC của công ty chính mà lại từ cổ phiếu ROS. Từ khi lên sàn vào nửa cuối năm 2016, chỉ trong 6 tháng, thị giá của ROS đã tăng tới 2.072%. Cổ phiếu ROS cũng tạo ra kỷ lục trên sàn chứng khoán khi sở hữu đà tăng 35 phiên liên tiếp.
Khi đó, thị giá cổ phiếu đạt đỉnh giúp FLC Faros xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE với 75.465 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn vượt vốn hóa Vietinbank (66.649 tỷ đồng); BIDV (56.067 tỷ đồng) hay Tập đoàn Masan (49.572 tỷ đồng).
ROS cũng đóng góp vào khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tới 50.962 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này. Khoảng giữa tháng 11/2016, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ vượt ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán gây sững sờ và đầy nghi ngờ.
Khối lượng mua vào ROS mỗi phiên đều trên 6 triệu cổ phiếu. Thậm chí trong 10 phiên đầu tháng 3/2017, khối lượng mua vào đều trên 10 triệu cổ phiếu/phiên. Tổng 10 phiên này đã có hơn 126,22 triệu cổ phiếu ROS khớp lệnh mua, trong khi số khớp lệnh bán chỉ là 47,86 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, việc thống kê tài sản của cựu chủ tịch FLC thông qua sở hữu các cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng còn là một dấu hỏi lớn về giá trị cũng như tiềm năng thực sự của FLC, cũng như cá nhân ông Trịnh Văn Quyết.
Hình ảnh Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong phiên xét xử sáng nay (22/7/2024) |
Bước sa chân vào vòng lao lý
Cuối tháng 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Quyết để phục vụ điều tra.
Sau hơn 2 năm, sáng ngày 22/7, tâm điểm của thị trường chứng khoán dồn về phiên xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội.
Ngoài ông Trịnh Văn Quyết, 49 bị cáo khác cũng bị đưa ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Theo cáo buộc, ông Quyết là chủ mưu - người quyết định chỉ đạo thực hiện việc mua Công ty Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS); quyết định, chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để hợp thức việc nâng khống công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch FLC cũng là người chủ mưu, quyết định, chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán; quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do bị can Trịnh Thị Minh Huế quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Cáo trạng cáo buộc, bằng nhiều thủ đoạn, ông Quyết đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan chức năng ghi nhận ông Quyết đã nộp khắc phục 212,5 tỷ đồng.
Ngày mai (22/7) xét xử vụ án ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm Hạng chục nghìn nhà đầu tư đã được triệu tập để phục vụ thu thập bằng chứng, tài liệu liên quan đến vụ án thao ... |
Nhiều người ký đơn xin giảm án cho ông Trịnh Văn Quyết Trước ngày xét xử, ông Trịnh Văn Quyết vận động người thân nộp hơn 230 tỷ đồng khắc phục hậu quả và được 4.280 người ... |
Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết vướng lao lý: Cần tách bạch vi phạm của lãnh đạo và hoạt động của FLC, Bamboo Airways Liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố đề điều tra, phóng viên đã có ... |