Đường phục hồi kinh tế năm 2024 có còn gập ghềnh?
Thitruongtaichinh - Về vĩ mô, kinh tế năm 2024 sẽ có một số điểm đáng chú ý. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi dựa trên các kỳ vọng xuất khẩu cải thiện từ mức nền thấp, đặc biệt là mặt hàng công nghệ.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng cải thiện nhờ tác động trễ của chính sách tiền tệ, tác động tiêu cực từ chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản được hạn chế; lạm phát kỳ vọng sẽ tăng nhẹ bởi sự điều chỉnh giá của các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.
Bên cạnh đó, năm 2024 là năm cảm nhận tác động trễ các chính sách tài khóa và tiền tệ. Do đó, không có nhiều dư địa để cắt giảm thêm lãi suất điều hành hay thúc đẩy mới ở khía cạnh tài khóa. Tác động của việc lãi suất huy động/cho vay giảm gắn với hiệu ứng lan tỏa tốt hơn của chính sách tài khóa là cơ sở cho sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế.
Với thị trường trái phiếu DN, có thể giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng những dư âm vẫn còn và năm 2024 sẽ tích cực tái cấu trúc nợ vay, nhất là đối với DN bất động sản và tập đoàn tư nhân lớn.
Một điểm đáng chú ý khác là mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng trở lại cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn phục hồi, áp lực đáo hạn trái phiếu DN vẫn còn cao, nhu cầu vay đầu tư phát triển và bù đắp bội chi ngân sách tăng.
Về thị trường bất động sản, dự báo sẽ có thêm một năm trầm lắng. Giải pháp xoay vòng vốn hiện tại có thể tránh nguy cơ vỡ nợ “hiện hình” nhưng không giúp giải quyết bài toán tăng trưởng và dòng tiền mới cho các nhà phát triển bất động sản.
Mặc dù lãi suất giảm có thể kích thích nhu cầu nhưng việc mất cân đối cung - cầu ở phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận dân cư chưa thể giải quyết trong ngắn hạn.
Năm 2024, kinh tế thế giới có thể trải qua những bất ổn do tổn thất từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn, các cuộc xung đột kéo dài và rủi ro địa chính trị leo thang. Tuy vậy, kỳ vọng quan điểm khác biệt trong triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed, thời điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của ECB và BOJ sẽ tạo áp lực nhất định đối với vị thế của đồng USD. Điểm tích cực là áp lực mất giá tiền đồng không thực sự là rủi ro lớn trong năm 2024.
Từ những phân tích nêu trên, các chuyên gia cho rằng, áp lực căng thẳng nhất đã qua đi, song con đường phục hồi kinh tế còn nhiều gập ghềnh.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, một vài biến số vĩ mô có thể sẽ trở thành “cơn gió ngược” của thị trường, bao gồm: áp lực lạm phát sẽ tăng cao hơn trong năm 2024, do cả yếu tố trong và ngoài nước; thị trường bất động sản loay hoay vùng đáy, thiếu vắng thanh khoản và gây áp lực dòng tiền trả nợ của DN, kết hợp với kinh tế thế giới đi vào suy thoái, khiến mức độ phục hồi của lĩnh vực xuất nhập khẩu không như kỳ vọng.
Nhìn nhận những thuận lợi và khó khăn của năm 2024 sẽ cho Việt Nam một bức tranh khái quát để có những chiến lược phù hợp phát triển kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Những “điểm sáng” của vĩ mô và vi mô là điểm cộng giúp đà phục hồi năm 2024 thêm hiện hữu.