Đứng cuối trong số 6 quốc gia ASEAN về quản trị công ty, Việt Nam cần làm gì?
(Thị trường tài chính) - Việt Nam hiện đang đứng cuối trong số 6 quốc gia ASEAN tham gia đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS). Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu nhất quán trong việc thực thi các tiêu chuẩn quản trị, đặc biệt ở khía cạnh công bố thông tin và chất lượng báo cáo.
Đứng chót bảng xếp hạng khu vực
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Diễn đàn thường niên về quản trị công ty lần thứ 7 (AF7), ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc điều hành Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) nhấn mạnh, quản trị công ty (QTCT) ngày càng khẳng định vai trò như một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán lên mức mới nổi vào năm 2025.
Ông Long nhận định, QTCT không chỉ là một kênh dẫn vốn quan trọng mà còn là công cụ giúp doanh nghiệp chứng minh cam kết đối với môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
“QTCT giờ đây đã trở thành thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin với thị trường và các nhà đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng khi các quỹ đầu tư quốc tế đang chuyển hướng tập trung vào những doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG”, ông Long chia sẻ. Ông cũng khẳng định rằng, yếu tố G (Quản trị) là nền tảng giúp các doanh nghiệp tích hợp hai yếu tố còn lại là môi trường (E) và xã hội (S) vào chiến lược phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIOD cho biết, QTCT không chỉ dừng ở việc đảm bảo tuân thủ, mà còn là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp thể hiện sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và tăng cường uy tín trên thị trường. Theo bà Thanh, quản trị hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tạo giá trị lâu dài, đặc biệt khi ESG đã trở thành chuẩn mực toàn cầu mà các nhà đầu tư tìm kiếm.
Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng trong thập kỷ qua, nhưng mặt bằng QTCT tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa được đánh giá cao so với các nước trong khu vực ASEAN.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Việt Nam hiện đang đứng cuối trong số 6 quốc gia ASEAN tham gia đánh giá Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS). Ông Long cho biết, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thiếu nhất quán trong việc thực thi các tiêu chuẩn quản trị, đặc biệt ở khía cạnh công bố thông tin và chất lượng báo cáo. Hiện tại, chỉ có hơn 70 doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp báo cáo bằng tiếng Anh, nhưng chất lượng không đồng đều, dẫn đến điểm số trung bình thấp.
Một trong những vấn đề nổi bật là vai trò của hội đồng quản trị (HĐQT) tại các doanh nghiệp chưa được phát huy đúng mức. Cụ thể, tính độc lập của các thành viên HĐQT cũng như cơ cấu tổ chức và vai trò chiến lược của cơ quan này chưa đáp ứng tiêu chuẩn khu vực.
Theo bà Nguyễn Minh Hiền - Giám đốc chuyên môn VIOD, Việt Nam cũng bị đánh giá chưa cao trong việc bảo đảm quyền đối xử công bằng với cổ đông. Trên 90% doanh nghiệp vẫn tổ chức họp cổ đông trực tiếp, không triển khai biểu quyết điện tử, khiến quyền tham gia của các cổ đông nhỏ lẻ bị hạn chế.
Động lực nâng cao thứ hạng
Để thúc đẩy QTCT, Diễn đàn AF7 diễn ra vào 5/12 tới tại TP. HCM sẽ tập trung thảo luận về chiến lược thu hút nhà đầu tư có trách nhiệm và phát triển các thực hành quản trị tốt.
Điểm nhấn của diễn đàn năm nay là sáng kiến VNCG50, một bộ thẻ điểm đánh giá thực hành QTCT do VIOD khởi xướng. Bộ thẻ điểm này không chỉ hỗ trợ nâng điểm số ACGS của Việt Nam, mà còn hướng tới đề cử 50 doanh nghiệp tiên phong trong QTCT.
Theo ông Long, VNCG50 sẽ là công cụ giúp các doanh nghiệp định vị mình trên thị trường quốc tế, tạo động lực để cải thiện chất lượng quản trị. Dự kiến, sáng kiến này sẽ được nâng cấp thành Bộ chỉ số vào năm 2025, qua đó hỗ trợ Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư xanh và chất lượng cao.
“Quản trị công ty tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy, nhưng với các nỗ lực hiện tại, thị trường chứng khoán trong nước đang đứng trước cơ hội trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn. Diễn đàn AF7 không chỉ là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và quỹ đầu tư, mà còn là bước đệm quan trọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn”, Tổng Giám đốc điều hành Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) nhấn mạnh.