Địa phương dọn tổ đón “đại bàng”
Thitruongtaichinh - Các địa phương trong cả nước đã đồng loạt đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN FDI hiện hữu như cải cách thủ tục hành chính); đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước…
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, tính chung cả năm 2023, Hà Nội thu hút 2.943 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD. Hà Nội là 1 trong 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, Hà Nội sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.
Hiện nay, TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đang thu hút trên 700 dự án đầu tư với 302 dự án FDI, số vốn đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội thường xuyên phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và du lịch của TP Hà Nội tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn TP với các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú như: tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Bên cạnh đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các khu công nghiệp của Hà Nội.
Những ngày cuối năm 2023 và ngay trong ngày đầu năm mới 2024, nhiều khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đang được khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quỹ đất để sẵn sàng đón các DN lớn.
Theo ông Nguyễn Công Thắng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc cần diện tích 23 - 30 hay 50ha tỉnh đã sẵn sàng quỹ đất sạch. UBND tỉnh và các sở, ngành sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư làm thủ tục một cách nhanh nhất.
“Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã giải quyết cho nhiều DN cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các giấy phép khác chỉ trong 3 - 5 ngày” - ông Nguyễn Công Thắng nói.
Năm 2023, Thái Bình lần đầu gia nhập nhóm tỷ USD về thu hút vốn FDI nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Từng bước quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm tạo ra môi trường sống tốt nhất để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài tại Thái Bình.
Với Nghệ An, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam Jun Huyn Soo đánh giá: “Việc yêu cầu gặp người phụ trách chính của cơ quan, ban ngành khá dễ dàng và thuận lợi, nên mọi vướng mắc của DN được giải quyết khá nhanh chóng và triệt để. Đó là những ưu điểm tôi cảm nhận được khi đầu tư tại đây”.
Vốn là một “cứ điểm” của nhiều DN đầu tư nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Dương Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm hoàn thuế kịp thời cho DN. Bình Dương đang xây dựng các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, chú trọng thu hút vốn đầu tư xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Thực tế, mỗi địa phương sẽ có những điểm khác biệt về cơ cấu nguồn nhân lực, tài nguyên, hạ tầng, thậm chí về mặt vận dụng các quy định pháp luật ở từng nơi để thu hút FDI. Theo các chuyên gia, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả ngắn hạn, dài hạn, là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư.