Chưa áp cách tính thuế hỗn hợp với rượu, bia
(Thị trường tài chính) -Theo Nghị quyết 25/NQ-CP về đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa được ban hành, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) của Bộ Tài chính. Trong đó chưa bổ sung nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia...
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Tờ trình ngày 6/2/2024 của Bộ Tài chính và hồ sơ liên quan kèm theo.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất chưa bổ sung vào Chính sách 5 của đề nghị xây dựng luật nội dung mới về phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với mặt hàng rượu, bia bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Về tiến độ trình dự án luật, nghị quyết nêu rõ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5.2024.
Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10.2024 và thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025.
Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật và gửi Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Trước đó, một trong những quy định khiến giới kinh doanh và các chuyên gia băn khoăn trong đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này là việc có nên bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp tính thuế hỗn hợp hay không.
Theo TS Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), tính thuế tương đối, tuyệt đối hay hỗn hợp là các phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định. “Phương pháp tính thuế tuyệt đối có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, nhiều quốc gia đã áp dụng nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là không bắt kịp được sự biến động của giá cả khi có lạm phát hoặc giảm phát”, TS Nguyễn Văn Phụng nêu quan điểm.
Cũng theo nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, hiện chúng ta chưa áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp hay tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia nên ưu điểm của cách này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chứ thực tiễn chưa chứng minh được.
Nếu áp dụng mức thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm, giá của các dòng cao cấp sẽ lợi hơn, trong khi giá của dòng phổ thông (doanh nghiệp Việt chiếm phần lớn) sẽ bị đẩy lên do đó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất bia thương hiệu Việt.
Còn với phương án hỗn hợp thì thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm bia cao cấp sẽ tăng từ 65 lên 75%. Trong khi đó, bia bình dân hiện nay đang là 65% sẽ tăng lên 85%. Như vậy, người tiêu dùng có thu nhập thấp lại chịu thuế lớn hơn người có thu nhập cao.
Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Văn Phụng đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng phương pháp tính thuế truyền thống (tương đối) theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán thì sẽ hợp lý, hiệu quả và thiết thực hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.