Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân
(Thị trường tài chính) - Các chuyên gia tài chính cho rằng, trong lúc chưa sửa được Luật Thuế thu nhập cá nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh để khoan thư sức dân, giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.
Tại Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 được trình bày tại Quốc hội ngày 22/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, các kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời lưu ý một số nội dung.
Luật Thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ 1/1/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Một trong những nội dung cần lưu ý là theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tại Phiên họp thứ 23 diễn ra đầu tháng 5/2023.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nâng mức giảm trừ gia cảnh ở thời điểm hiện nay là cần thiết để góp phần giảm gánh nặng cho người dân, góp phần kích cầu tiêu dùng và thể hiện rõ chủ trương “khoan thư sức dân”.
Từ năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc. Đây là mức tăng rất ít ỏi sau 7 năm duy trì mức 9 triệu và 3,6 triệu đồng. Đến nay, mức giảm trừ gia cảnh này rất lạc hậu so với mức sống của người dân, đặc biệt người dân ở các thành phố lớn.
Nhiều chuyên gia về thuế cho rằng, những người nộp thuế thu nhập cá nhân đang cần được Nhà nước chia sẻ khó khăn bởi họ đã chịu tác động nặng nề từ 3 năm dịch bệnh, năm nay kinh tế lại tiếp tục suy giảm, nhiều doanh nghiệp giảm lương, giảm giờ làm, khó càng thêm khó. Vì thế, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh để giảm mức đóng thuế cho người nộp thuế là hết sức cấp thiết, cần tính toán để có mức giảm trừ hợp lý và áp dụng luôn với kỳ tính thuế từ đầu năm nay.
Rõ ràng, trong bối cảnh đặc biệt, cần có những chính sách đặc biệt, kịp thời để khoan thư sức dân, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Nếu chỉ tận thu, chỉ nghĩ đến việc giảm thuế là hụt thu thì về lâu dài, ngân sách nhà nước sẽ sụt giảm khi người nộp thuế và doanh nghiệp cùng quẫn.