Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón?
Tại phiên họp tổ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình một số vấn đề liên quan về áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón.
Chiều 17/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp tổ |
Trước ý kiến đại biểu liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế phân bón đã trải qua nhiều thời kỳ. Trước đây, khi quy định áp thuế VAT đối với phân bón, nhiều đại biểu đã cho rằng như vậy sẽ nâng giá phân bón lên, cho nên sau khi sửa luật VAT đã bỏ thuế này với phân bón.
“Bây giờ thì chúng ta đứng trước 2 lựa chọn. Một là, nếu như không đưa vào thì rõ ràng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn, bởi vì không được hoàn thuế đầu vào. Tuy nhiên, nếu đưa vào thì cũng sẽ có tác động đến giá, dù nhiều dù ít” - Bộ trưởng cho biết.
Trước ý kiến liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để thống nhất quyết định làm thế nào đảm bảo được lợi ích của đất nước và bảo đảm được nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để thống nhất việc quyết định làm thế nào đảm bảo được lợi ích của đất nước và bảo đảm được nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Về vấn đề bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, Bộ trưởng cũng lý giải tại sao lại đưa quy định này vào trong luật.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, trước đây, khi thực hiện Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) ngày 18/5/1973 mà Việt Nam đã ký kết, luật pháp quy định giá trị nhỏ tối thiểu hoặc số thuế hải quan và thuế khác tối thiểu dưới mức độ nhỏ thì không thu thuế hải quan và thuế khác. Nhưng trong Nghị định 134 năm 2016 và Quyết định 78 của Thủ tướng Chính phủ thì có yêu cầu thu khoản thuế này.
Bộ trưởng nêu ví dụ, hiện nay, một số quốc gia như EU đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với lô hàng có giá trị từ 22 Euro trở xuống, Vương quốc Anh cũng đã bãi bỏ quy định về thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 135 Bảng Anh trở xuống bắt đầu ngày từ ngày 1/1/2021. Trong khi đó, Thái Lan đã bắt đầu thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu (từ tháng 5/2024).
Liên quan quy định về những hành vi cấm đối với cơ quan thuế trong thực hiện thuế giá trị gia tăng và hành vi chịu trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế và hành vi của doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, sau khi tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đưa quy định này vào luật.
“Trong luật cũng đã quy định về hóa đơn và chế độ hóa đơn, nhưng khi ra Thường vụ Quốc hội có ý kiến nêu quy định hóa đơn mới còn chung chung và thuế giá trị gia tăng cũng có thể nói là một loại thuế mới, còn có những đặc thù riêng cho nên phải ban hành hệ thống hóa đơn chứng từ quy định cụ thể” - Bộ trưởng nói.
Theo ông Phớc, trách nhiệm của người nộp thuế, của doanh nghiệp và trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ, công chức thuế cũng phải rạch ròi theo nguyên tắc “ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm”, không thể doanh nghiệp làm sai nhưng cán bộ thuế phải chịu, và ngược lại.
Bộ trưởng phân tích, nếu dựa trên hồ sơ hoàn thuế doanh nghiệp đưa ra lại là hóa đơn giả và cơ quan thuế không thể kiểm tra, lần đến từng nguồn gốc được, trong khi đó quy định thời gian hoàn thuế trước - kiểm tra sau có 4 ngày và thời gian kiểm tra trước - hoàn sau là 40 ngày thì không thể xử lý được, cuối cùng trách nhiệm cán bộ thuế phải chịu.
“Chúng ta phải có quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác, giới hạn trách nhiệm thì mới có thể làm mạnh mẽ được và mới bảo đảm được nguồn thu ngân sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phớc nêu rõ, đối với ngành thuế hiện nay có tình trạng gian lận về hóa đơn để gian lận hoàn thuế và cơ quan công an đã khởi tố nhiều vụ, vì vậy, cần rạch ròi để những người làm gian dối phải chịu trách nhiệm.
“Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ mà không đúng thì cơ quan thuế và người kiểm tra phải chịu trách nhiệm, còn người tạo chứng cứ, tài liệu giả, tài liệu không đúng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Điều này phải tương đồng, không thể để người này đổ lỗi cho người kia, rất khó làm” - ông Phớc nói và bày tỏ mong muốn Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng các đại biểu Quốc hội ủng hộ để khi ban hành quy định, luật sẽ có sức sống dài hơn.
Liên quan việc thu thuế giá trị gia tăng đối với hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, theo Bộ trưởng nếu tính 5 năm nữa với mức độ trượt giá khoảng 5% thì rõ ràng chỉ 5, 10 năm nữa quy định mức áp thuế sẽ lạc hậu.
Bộ trưởng cho rằng nên mạnh dạn giao Chính phủ quy định ngưỡng này để khi có biến động, Chính phủ sẽ điều chỉnh sao cho hợp lý.
"Ở đây, tôi muốn nhấn vào vấn đề phân quyền. Khi đồng tiền mất giá, và khi mức độ không phù hợp mà chưa sửa được luật thì Chính phủ sẽ đưa ra quy định phù hợp. Còn nếu chỉ quy định cứng cứ 100 triệu đồng/năm thì miễn thuế và khi thu nhập tăng cao lên lại bắt đầu thu thuế sẽ dễ dẫn đến người dân, người kinh doanh không đồng tình” - Bộ trưởng phân tích và đề xuất nếu ủy quyền cho Chính phủ quyết vấn đề này sẽ hợp lý hơn.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, thuế là công cụ điều tiết và kinh nghiệm ở các nước phát triển đã dùng công cụ thuế rất linh hoạt. Song đi kèm với đó vẫn cần có sự giám sát. "Nếu phân cấp, ủy quyền và tăng cường công tác kiểm soát thì chắc chắn công cụ điều tiết sẽ linh hoạt và hiệu quả hơn" - Bộ trưởng chia sẻ.