HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bị phạt và truy thu thuế tiền tỷ, Công ty Ngân Lượng của Shark Bình hoạt động thế nào?

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - Công ty Ngân Lượng của Shark Bình từng bán 50% cho cổ đông nước ngoài là Mol Accessport Al SDN.BHD, sau đó cổ đông đến từ Malaysia đã thoái vốn, thay vào đó là Nganluong Holdings Limited với tỷ lệ sở hữu 50,54% vốn điều lệ.

Công ty Ngân Lượng bị phạt và truy thu hơn 1,2 tỷ đồng

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra thuế đối với Công ty Cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân lượng (Công ty Ngân Lượng).

Trong đó Công ty Ngân Lượng bị xử phạt về các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Tổng số tiền mà Ngân Lượng bị xử phạt và truy thu lên tới hơn 1,2 tỷ đồng.

Bị phạt và truy thu thuế tiền tỷ, Công ty Ngân Lượng của Shark Bình hoạt động thế nào? - ảnh 1
Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ban hành kết luận thanh tra thuế đối với Công ty Cổ phần Cổng trung gian thanh toán Ngân lượng (Công ty Ngân Lượng).

Ngân Lượng bị xử phạt 217 triệu đồng và bị truy thu 909 triệu đồng tiền thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN. Về thuế GTGT, công ty đã kê khai khấu trừ thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào từ các đơn vị không hoạt động tại địa chỉ đăng ký và khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn trên 20 triệu đồng thanh toán bằng tiền mặt. Ngân Lượng cũng không kê khai thuế GTGT cho quà tặng khách hàng.

Đối với thuế TNDN, Ngân Lượng đã xác định chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, kê khai không đầy đủ hóa đơn, chi phí khấu hao tài sản cố định không đúng quy định và hạch toán phân bổ chi phí tiền phạt vi phạm hành chính, tiền thuế, tiền chậm nộp không chính xác.

Ngân Lượng cũng đã khấu trừ thuế TNCN từ đầu tư vốn và khấu trừ thuế GTGT nộp thay cá nhân kinh doanh không đúng quy định.

Chân dung Công ty Ngân lượng của Shark Bình

Công ty Ngân lượng thành lập từ năm 2012, lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo thông tin từ Website, Ngân Lượng.vn hoạt động theo mô hình Ví điện tử với 3 chức năng chính: Nạp tiền, Thanh toán và Chuyển tiền. Tất cả các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến thông qua Thẻ ATM nội địa, Thẻ quốc tế (Visa, Master, JCB, Amex), Internet Banking, QR-Pay... và các hình thức tiện dụng khác. NgânLượng.vn đã liên kết trực tiếp với gần 40 tổ chức tài chính và viễn thông tại Việt Nam và Quốc tế, bao gồm: Paypal, Visa/Master, CyberSource, Sacombank, VPBank, Shinhan Bank (ANZ), Eximbank, Maritime Bank, VIB, HSBC, CitiBank, Techcombank, Seabank, Standard Chartered, TP Bank, SCB (NH TMCP Sài Gòn), NAB (Nam Á Bank), OCB (NH Phương Đông), KLB (Kiên Long Bank), SHB( NH Sài Gòn – Hà Nội), BIDV, FE CREDIT, VinaPhone, MobiFone, Viettel…

Hiện nay, Ngân lượng đã cung cấp thêm dịch vụ trả góp online và offline cho người dùng với lãi suất 0% trên nền tảng đa kênh.

Công ty cổ phần Ngân lượng do ông Nguyễn Hòa Bình (vẫn thường gọi với cái tên Shark Bình) làm Chủ tịch HĐQT. Công ty đã nhiều lần thực hiện nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, vào tháng 12/2018, Công ty Ngân lượng có vốn điều lệ hơn 52,7 tỷ đồng, cổ đông nước ngoài được thay đổi từ Mol Accessport Al SDN.BHD sang Nganluong Holdings Limited với sở hữu là 50,54%, tương ứng hơn 26,6 tỷ đồng.

Nganluong Holdings Limited nắm giữ cổ phần của Ngân Lượng được gần 1,5 năm rồi thoái sạch vốn vào tháng 6/2020.

Tới tháng 6/2019, Công ty Ngân lượng chuyển người đại diện từ ông Nguyễn Hòa Bình (SN 1981, kiêm Chủ tịch HĐQT) sang ông Đinh Hồng Quân (SN 1988, kiêm Tổng Giám đốc).

Tại tháng 5/2022, doanh nghiệp của Shark Bình tăng vốn lên 280 tỷ đồng. Tới tháng 6/2022, Công ty Ngân lượng tiếp tục tăng vốn lên gần 370 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông góp vốn không được tiết lộ.

Đáng chú ý, tại thay đổi gần nhất, doanh nghiệp điều chỉnh vốn điều lệ giảm xuống hơn 52,7 tỷ đồng, cổ đông thoái vốn không được công bố. Đại diện kiêm Tổng giám đốc vẫn là ông Đinh Hồng Quân.

Dữ liệu từ TTXVN cho thấy, doanh thu của Ngân Lượng liên tục tăng trưởng từ năm 2016 đến năm 2018, đạt đỉnh gần 1.900 tỷ đồng vào năm 2018, tăng 19,5% so với năm trước đó. Tuy nhiên, năm 2019, doanh thu sụt giảm mạnh, chỉ còn 424,2 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 năm trước. Dù vậy, lợi nhuận của công ty lại tăng vọt lên 109,5 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước, và biên lợi nhuận được cải thiện lên 25,5%. Lũy kế 4 năm từ năm 2016 đến năm 2019, Ngân Lượng mang về cho NextTech tổng cộng 166 tỷ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên, năm 2018, vụ đánh bạc nghìn tỷ nghìn tỷ do Phan Sào Nam cầm đầu đã lộ diện nhiều công ty thanh toán trung gian liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ nạp tiền đánh bạc bằng thẻ cào cho đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip/Tip.club. Cổng thanh toán Ngân Lượng là một trong những đơn vị trung gian trong vụ án này.