Bất ngờ với kết quả kinh doanh của hệ sinh thái vay vốn Finy, Lendbiz và 3Gang
(Thị trường tài chính) - Hệ sinh thái tài chính của ông Nguyễn Việt Hưng bao gồm các công ty Finy, Lendbiz và 3Gang, tập trung vào dịch vụ vay vốn, tích lũy và đầu tư. Dù sở hữu nhiều ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) và mô hình kinh doanh đa dạng, các doanh nghiệp này đều đang gặp khó khăn về tài chính với những khoản lỗ qua các năm.
Finy của ai?
Thị trường tài chính tiêu dùng gần đây chứng kiến sự xuất hiện của một cái tên mới - Công ty cổ phần Finy. Doanh nghiệp này giới thiệu dịch vụ cung cấp các khoản vay nhanh chóng, không qua bước thẩm định, và chỉ trong vòng 15 phút, khách hàng có thể nhận được tiền. Hệ thống của Finy đã triển khai các phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
Trên website Finy thông tin, doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở hoạt động cho vay, Finy còn hợp tác với các tổ chức cung cấp nhiều dịch vụ tài chính khác như mua bảo hiểm, thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, cước viễn thông, trả góp, cùng các dịch vụ bán lẻ như nạp thẻ điện thoại và thẻ game.
Dữ liệu cho thấy, Finy thành lập vào tháng 5/2023, trụ sở chính tại khu nhà ở thấp tầng, Khu đô thị mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Khi mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ ở mức 6 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn gồm: Công ty cổ phần Lendbiz góp 78,333%, ông Nguyễn Việt Hưng góp 16,667% và Lê Hoàng Nguyên góp 5%. Hoạt động chính của doanh nghiệp là dịch vụ cầm đồ.
Tại thay đổi vào tháng 6/2024, doanh nghiệp tăng vốn lên 20 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được công khai.
Dữ liệu cho thấy, trong năm 2023 Finy ghi nhận hơn 52 triệu đồng doanh thu và lỗ ròng 1,4 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 4,6 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2023 đạt gần 6 tỷ đồng.
Đại diện pháp luật/Tổng giám đốc là ông Nguyễn Việt Hưng (SN 1974). Ông Hưng còn được biết là đại diện của 2 pháp nhân khác như: CTCP Lendbiz, CTP 3Gang.
Hệ sinh thái của ông Nguyễn Việt Hưng
Về CTCP Lendbiz được thành lập vào tháng 10/2017, cùng có trụ sở chính với Finy tại khu nhà ở thấp tầng, Khu đô thị mới Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội. Ngành nghề hoạt động chính là tư vấn quản lý. Vốn điều lệ khi thành lập của Lendbiz là 1,5 tỷ đồng.
Sau nhiều lần tăng vốn, tại tháng 10/2022, doanh nghiệp có vốn điều lệ đạt hơn 8,4 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt gần 9 tỷ đồng, lãi 1,6 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu thuần của Lendbiz đạt 6,7 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước đó và lỗ tới 2,6 tỷ đồng.
Do làm ăn liên tục bị lỗ nên vốn chủ sở hữu của công ty vào cuối năm 2023 chỉ còn 3,3 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Lendbiz đạt gần 130 tỷ đồng.
Về Công ty cổ phần 3Gang (thành lập tháng 6/2020), tiền thân là CTCP Lendbiz Capital. Trụ sở chính cùng địa chỉ với 2 công ty trên. Ngành nghề hoạt động chính là tư vấn quản lý.
Vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, trong đó CTCP Lendbiz góp 97%, Công ty TNHH Một thành viên King Invest góp 1%, ông Nguyễn Việt Hưng góp 1%, Phạm Thanh Dung góp 1%. Tới tháng 6/2023, Lendbiz đổi tên thành CTCP 3Gang.
3Gang hoạt động chủ yếu về việc hỗ trợ vốn cho các Doanh nghiệp & Hộ kinh doanh thông qua gọi vốn từ cộng đồng Nhà đầu tư.
Doanh nghiệp sở hữu app vay tiền 3Gang - một ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) với lời quảng bá đầy hấp dẫn: "Lãi suất cao hơn ngân hàng và sinh lời mỗi ngày." Theo thông tin từ website chính thức, 3Gang cho phép người dùng bắt đầu tích lũy chỉ từ 30.000 đồng, hướng tới nhóm cá nhân và nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người mong muốn đầu tư nhưng không có nhiều vốn.
Ứng dụng cung cấp các gói tích lũy linh hoạt, phù hợp với các nhu cầu đầu tư khác nhau:
Tích lũy nhận lãi cuối kỳ: Với lãi suất lên tới 8,8%/năm, đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai có nguồn vốn nhàn rỗi và kế hoạch tài chính dài hạn.
Tích lũy nhận lãi hàng tháng: Mang lại lãi suất 8,3%/năm, gói này cung cấp nguồn thu nhập thụ động hàng tháng, giúp bổ sung chi tiêu gia đình.
Tích lũy không kỳ hạn: Đáp ứng nhu cầu linh hoạt, cho phép người dùng nạp, rút tiền tự do với lãi suất 5%/năm, phù hợp với khoản tiền nhàn rỗi ngắn hạn.
Ngoài các gói cơ bản, 3Gang thỉnh thoảng triển khai chương trình khuyến mãi với mức lãi suất hấp dẫn hơn nhằm thu hút nhà đầu tư.
Theo giới thiệu từ 3Gang, tiền của nhà đầu tư được sử dụng cho các sản phẩm tài chính như chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi hoặc trái phiếu do các ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín phát hành. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hợp tác đầu tư với các quỹ, công ty chứng khoán hoặc các dự án hợp pháp do Công ty Cổ phần 3Gang điều hành.
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 38 triệu đồng, nhưng giá vốn lên tới 215 triệu đồng, dẫn đến lỗ gộp 177 triệu đồng. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế 109 triệu đồng.
Năm 2021, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn với khoản lỗ gộp 605 triệu đồng, tăng 3,4 lần so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu tài chính đạt 4,1 tỷ đồng, một điểm sáng đáng chú ý, dù chi phí tài chính tiêu tốn tới 3,8 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế 500 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2021, 3Gang ghi nhận tổng tài sản đạt 68 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty cũng tăng mạnh, đạt 59 tỷ đồng, cao hơn 19 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm nhẹ, còn 9,3 tỷ đồng. Một điểm tích cực là tiền mặt và tương đương tiền tăng từ 158 triệu cuối năm 2020 lên 1,4 tỷ đồng vào cuối năm 2021.