HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

"Bại tướng" tại gói thầu hơn 358 tỷ đồng ở Đà Nẵng có năng lực ra sao?

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán

Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP vừa bị Ban QLDA tại Đà Nẵng phát hiện có dấu hiệu cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực và bị loại tại gói thầu hơn 358,4 tỷ đồng. Hoạt động đấu thầu của ‘ông lớn’ này cùng doanh nghiệp đồng hành trong liên danh là Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP thời gian qua cũng không suôn sẻ.

Có dấu hiệu cố ý cung cấp thông tin, tài liệu có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 8/2024, Xây dựng Bạch Đằng liên tục nhận tin kém vui khi đấu thầu tại Đà Nẵng. Cụ thể, ngày 3/8, doanh nghiệp này trượt thầu tại gói Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên tuyến đường Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ, do BQL Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Gói thầu này có giá dự toán 80.307.437.000 đồng. Liên danh Xây dựng Bạch Đằng – Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Ngũ Thường – Công ty TNHH MTV Phú Thành Hưng trượt thầu do bỏ giá cao hơn liên danh trúng thầu (Thủy Hà Nội – Nhất Huy).

Liên danh Bạch Đằng trượt thầu tại gói thầu 80,3 tỷ ở Đà Nẵng do không cạnh tranh về giá
Liên danh Bạch Đằng trượt thầu tại gói thầu 80,3 tỷ ở Đà Nẵng do không cạnh tranh về giá

Trước đó 1 ngày (2/8/2024), Liên danh Bạch Đằng – Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) cũng là ‘bại tướng’ tại gói thầu hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Xuân, Cẩm Lệ. Gói thầu này có giá dự toán hơn 370,6 tỷ đồng.

Tại gói này, liên danh gồm Xây dựng Bạch Đằng có giá cạnh tranh nhất trong 3 nhà thầu tham gia, tuy vậy vẫn bị loại do không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của vật tư, vật liệu, thiết bị.

Không những thế, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng còn bị phát hiện có dấu hiệu cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực.

Sau khi Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng công bố kết quả, ông Dương Văn Thiêm, TGĐ Xây dựng Bạch Đằng thay mặt liên danh gửi công văn cho rằng ý kiến của tổ chuyên gia chấm thầu là chủ quan, áp đặt và đề nghị chủ đầu tư thu hồi quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên trong văn bản trả lời, Ban QLDA nhấn mạnh lại ý kiến của tổ chuyên gia về việc Xây dựng Bạch Đằng có dấu hiệu cố ý cung cấp thông tin, tài liệu có thể làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, vi phạm các hành vi bị cấm theo Điều 16, Luật Đấu thầu.

Chủ đầu tư cũng đề nghị nhà thầu (Xây dựng Bạch Đằng) nghiên cứu kỹ pháp luật về đấu thầu, về các hành vi bị cấm quy định tại Điều 16, Luật Đấu thầu để tránh trường hợp tương tự khi chuẩn bị E-HSDT và tránh kiến nghị không đủ cơ sở hoặc sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu.

Xây dựng Bạch Đằng đang trong giai đoạn 'phú quý giật lùi' khi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công. Nguồn: Dauthau.asia
Xây dựng Bạch Đằng đang trong giai đoạn 'phú quý giật lùi' khi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công

Diễn biến kém vui trong hoạt động đấu thầu tại Đà Nẵng của Xây dựng Bạch Đằng là điều khá bất ngờ, bởi doanh nghiệp này từng tham gia nhiều gói thầu lớn ở địa phương này.

Có thể kể đến các gói như: Thi công hạng mục giao thông, thoát nước đoạn Km 5+096.35 - Km 10+290.04, thuộc Dự án nâng cấp cải tạo ĐT 601. Gói này do Ban QLDA Đầu tư xây dựng CTGT Đà Nẵng mời thầu, giá trúng thầu 72.196.025.000 đồng.

Gói thầu xây dựng tuyến ống thu gom nước thải, tuyến ống truyền tải mạng cấp 1, 2 và trạm bơm nước thải khu vực Mỹ An - Mỹ Khê do BQL Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng mời thầu. Gói này Bạch Đằng liên danh với Công ty CP Xây dựng số 5 (SC5), giá trúng thầu 447.368.684.055 đồng.

Ngoài ra, Xây dựng Bạch Đằng còn trúng ít nhất 2 gói thầu xây lắp tại Đại học Đà Nẵng.

Chuỗi ngày buồn của ‘ông lớn’ đất Cảng

Đăng ký lần đầu vào năm 2010 trên cơ sở cổ phần hóa DNNN, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng hiện có vốn điều lệ hơn 517,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đặt trụ sở tại 268 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Công ty có nhiều chi nhánh, đơn vị thành viên khác, bao gồm Công ty CP Xây dựng và Đầu tư phát triển Bạch Đằng Đà Nẵng (51 Xô viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Nẵng).

Mới đây, Xây dựng Bạch Đằng đã thay đổi người đại diện pháp luật, từ Chủ tịch HĐQT Vũ Quang Bảo (SN 1970) đổi sang TGĐ Dương Văn Thiêm (SN 1973).

Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP được cổ phần hóa từ 2010
Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP được cổ phần hóa từ 2010

Quan sát hoạt động đấu thầu của Xây dựng Bạch Đằng tại các chủ đầu tư sử dụng vốn Nhà nước thời gian qua, có thể nhận thấy ‘ông lớn’ đất Cảng đang nối dài chuỗi ngày khá buồn.

Dữ liệu cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, Bạch Đằng tham gia 12 gói thầu nhưng vẫn chưa trúng gói nào, trong đó trượt thầu 7 gói, 5 gói chờ công bố kết quả.

Ngoài 2 gói tại Đà Nẵng, Xây dựng Bạch Đằng còn là ‘bại tướng’ tại các gói tiêu biểu như: Tu bổ, tôn tạo di tích Đền Thượng, Đền Am, thành phố Lào Cai, giá gói thầu 33.207.463.000 đồng; Gói xây dựng Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, giá gói thầu 455.235.089.000 đồng; Gói xây lắp tại Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến Nam cầu sông Hiếu; giá gói thầu 159.921.079.000 đồng); Gói thầu XL05-QT1 tại Ban QLDA Điện 2 – Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá gói thầu 240.230.970.000 đồng.

Tại 5 gói thầu chưa công bố kết quả, biên bản mở thầu các gói cho thấy Xây dựng Bạch Đằng khá bất lợi khi có giá dự thầu không cạnh tranh so với các đối thủ. Ông lớn này vẫn đang phải chờ đợt để giải tỏa ‘cơn khát’ trúng thầu kéo dài.

Bạch Đằng đang tham gia vào gói XL01-QT1. Kết quả mở thầu cho thấy doanh nghiệp này gặp bất lợi khi có giá không cạnh tranh bằng đối thủ
Bạch Đằng đang tham gia vào gói XL01-QT1 tại Ban QLDA Điện 2. Kết quả mở thầu cho thấy doanh nghiệp này gặp bất lợi khi có giá không cạnh tranh bằng đối thủ

Lần gần nhất Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng được công bố trúng thầu là tại gói Thi công xây dựng (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT.261- ĐT.266, tỉnh Thái Nguyên. Gói này có giá trúng thầu 92.068.999.633 đồng, và Xây dựng Bạch Đằng là nhà thầu duy nhất tham gia.

Theo quan sát, tình trạng ‘phú quý giật lùi’ trong đấu thầu các dự án đầu tư công của Xây dựng Bạch Đằng bắt đầu từ năm 2019. Trước đó, doanh nghiệp này có giai đoạn đấu thầu khá hiệu quả từ 2016 – 2018, với đỉnh cao là năm 2017 (được công bố trúng 13 gói thầu).

CC1: Nợ đầm đìa, dòng tiền kinh doanh âm hơn nghìn tỷ

Xuất hiện trong liên danh cùng Xây dựng Bạch Đằng trượt thầu tại dự án thu gom nước thải ở Đà Nẵng, Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (mã chứng khoán: CC1) có tình hình tài chính không mấy sáng sủa.

Quý 2/2024, doanh thu CC1 đạt 2.272,1 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần quý 2/2023. Khấu trừ giá vốn, lãi gộp ở mức 164,4 tỷ đồng, tăng 51,1% so với cùng kỳ. Khép lại quý 2, CC1 báo lãi 26,2 tỷ đồng, tăng đến 142,5% so với cùng kỳ.

Tuy vậy số lãi này chỉ tồn tại ở sổ sách bởi trên thực tế, dòng tiền kinh doanh trong quý của ‘ông lớn’ xây dựng này âm đến 1.024,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 117 tỷ đồng.

Danh sách các chủ nợ của Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP
Danh sách các chủ nợ của Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP

Trong 3 tháng, CC1 đi vay hơn 2.608 tỷ đồng; gánh nợ phải trả tăng lên 10.976 tỷ đồng tại 30/6/2024, tăng mạnh so với đầu năm. Riêng nợ ngắn hạn chiếm hơn 7.521,6 tỷ đồng, gồm 2.670 tỷ đồng nợ vay.

Trong danh mục tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến 7.277 tỷ đồng. Chỉ số này cho thấy ông lớn xây dựng đang bị chiếm dụng vốn rất lớn.

Bức tranh tài chính kém sắc, hoạt động đấu thầu cũng không mang lại nhiều niềm vui cho CC1. Dữ liệu cho thấy cũng như Xây dựng Bạch Đằng, CC1 vẫn chưa trúng gói thầu nào trong năm 2024.

Bên cạnh gói thầu vừa trượt tại Đà Nẵng, CC1 đang tham gia vào gói Thi công xây dựng tuyến kênh dẫn nước làm mát từ cửa nhận đến StopLog của trạm bơm nước làm mát tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1. Gói này đang trong giai đoạn xét thầu.