HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

10/34 đơn vị đầu mối xăng dầu nợ thuế: Tiết lộ thông tin “đau đầu” cơ quan thuế

Bảo An

(Thị trường tài chính) - Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, 34 đơn vị đầu mối xăng dầu thì có gần 10 đơn vị nợ thuế. Cơ quan thuế nhận thấy hầu hết tài sản của doanh nghiệp đều đã được đưa vào làm tài sản bảo đảm khi đi vay. Điều này dẫn việc kê biên tài sản để thu hồi nợ thuế là rất khó khăn.

Tại Họp báo thường kỳ quý 4 của Bộ Tài chính mới đây, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay số nợ thuế của các doanh nghiệp nói chung đều được giám sát chặt chẽ, các cục thuế địa phương làm hết trách nhiệm trong quản lý nợ thuế.

Theo đó, với 34 đơn vị đầu mối xăng dầu thì có gần 10 đơn vị nợ thuế. Cơ quan thuế đã thực hiện đôn đốc, cưỡng chế.

Theo ông Sơn, quy trình cưỡng chế thì đối với các doanh nghiệp nợ thuế từ ngày thứ 91, cơ quan thuế sẽ có thông báo chuẩn bị cưỡng chế tài khoản; từ ngày thứ 121 sẽ cưỡng chế hóa đơn. Ngoài ra, cơ quan thuế áp dụng các hình thức cưỡng chế khác theo quy định pháp luật, như: cấm xuất cảnh người đứng đầu; biện pháp kê biên tài sản...

Liên quan đến biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết hiện nay có những khó khăn. Trong năm 2024, cơ quan thuế sẽ tập trung các quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến các yếu tố của doanh nghiệp cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, cơ quan thuế nhận thấy hầu hết tài sản của doanh nghiệp đều đã được đưa vào làm tài sản bảo đảm khi đi vay. “Theo quy định thì khi kê biên tài sản phải đảm bảo thanh toán các khoản vay trước khi thực hiện các khoản thu vào ngân sách. Do đó, dẫn đến khó khăn khi thu hồi nợ thuế, cho nên việc kê biên tài sản là rất khó khăn. Chúng tôi sẽ phải đánh giá các tài sản nào đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, còn lại tài sản nào cơ quan thuế có thể thực hiện biện pháp kê biên” – ông Mai Sơn cho hay.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc cưỡng chế kê biên tài sản còn gặp khó khăn ở những vấn đề liên quan đến việc thực hiện cưỡng chế kê biên. “Tới đây, khi sửa đổi chính sách pháp luật, sẽ phải đánh giá để thực hiện sao cho phù hợp. Các cơ quan chức năng khác cũng phải có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kê biên tài sản” – ông Sơn nói.

Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc doanh nghiệp xăng dầu kê khai thiếu số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, theo Luật Quản lý thuế và các quy định liên quan, doanh nghiệp sẽ phải tự tính, tự khai, tự nộp thuế; cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát quá trình nộp và có trách nhiệm đôn đốc, cưỡng chế.

Về việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vấn đề này là hoạt động của doanh nghiệp; các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý. “Việc quản lý dòng tiền thì trách nhiệm là của doanh nghiệp, quá trình thanh kiểm tra của các cơ quan khác nữa chứ không phải của cơ quan thuế…” – ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Trước đó, tại Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu vừa được công bố, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 152/2011 không quy định thời điểm kê khai, nơi nộp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với sản lượng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bán cho thương nhân đầu mối khác và được quy định tại Nghị định 67/2011 của Chính phủ; dẫn tới các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khai, tính thuế bảo vệ môi trường thiếu khoảng 4.900 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu (được kiểm tra) nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng, vi phạm Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối xăng dầu đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.