HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

WHO hành động khẩn cấp: Tung kế hoạch 135 triệu USD chống virus mới ở Châu Phi, Mỹ cung cấp lô 10.000 mũi vắc-xin đầu tiên

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Châu Phi chuẩn bị nhận 10.000 liều vắc-xin chống virus mpox từ Mỹ trong tuần này, sau khi WHO bị chỉ trích vì phản ứng chậm trước đợt bùng phát dịch. Bên cạnh kế hoạch của WHO, Đức, Pháp và Áo cũng cam kết cung cấp vắc-xin mpox cho các quốc gia trong khu vực.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/8 đã công bố kế hoạch kéo dài sáu tháng nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh truyền nhiễm mpox. Kế hoạch bao gồm việc tăng cường nhân lực, đẩy mạnh giám sát, phòng ngừa và ứng phó tại các quốc gia bị ảnh hưởng. WHO cho biết, chương trình dự kiến từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024 sẽ cần 135 triệu USD tài trợ.

Chương trình này nhằm mục đích cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin một cách công bằng, đặc biệt là tại các quốc gia Châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh rằng các đợt bùng phát tại Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước lân cận có thể được kiểm soát và ngăn chặn.

WHO hành động khẩn cấp: Tung kế hoạch 135 triệu USD chống virus mới ở Châu Phi, Mỹ cung cấp lô 10.000 mũi vắc-xin đầu tiên  - ảnh 1
Một trung tâm phòng chống dịch bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo

 

Cùng ngày, Đức thông báo sẽ tặng 100.000 liều vắc-xin mpox từ kho dự trữ quân đội cho các quốc gia bị ảnh hưởng, theo tin từ hãng thông tấn DPA. Trước đó, Pháp đã cam kết cung cấp 100.000 liều, trong khi Áo cũng tuyên bố sẽ quyên góp vắc-xin, dù chưa rõ số lượng cụ thể. Các thông báo này được đưa ra sau khi Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ Châu Phi đối phó với tình hình dịch bệnh.

Congo, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã báo cáo hơn 1.000 ca mắc mpox mới chỉ trong tuần trước. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC) cho biết, tính đến ngày thứ Năm, đã có hơn 21.300 ca nghi ngờ hoặc xác nhận và 590 ca tử vong được báo cáo trong năm nay tại 12 quốc gia Châu Phi.

Mpox, còn được gọi là đậu mùa khỉ, là một bệnh nhiễm trùng có khả năng gây tử vong, lây lan qua tiếp xúc gần, đặc biệt là da kề da. Các triệu chứng thường bao gồm sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể và các tổn thương da chứa đầy mủ.

Lô vắc-xin mpox đầu tiên dự kiến sẽ đến tay các nước Châu Phi trong tuần này, nhiều tuần sau khi chúng đã được triển khai tại nhiều nơi khác trên thế giới. 10.000 liều vắc-xin do Mỹ tài trợ sẽ được sử dụng để đối phó với biến thể mới nguy hiểm của virus này, trước đây được gọi là đậu mùa khỉ. Việc không cung cấp kịp thời vắc-xin cho Châu Phi đã làm dấy lên những lo ngại về cách các cơ quan quốc tế xử lý tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

WHO hành động khẩn cấp: Tung kế hoạch 135 triệu USD chống virus mới ở Châu Phi, Mỹ cung cấp lô 10.000 mũi vắc-xin đầu tiên  - ảnh 2
Các liều vắc xin Imvanex của Nordic, được sử dụng để bảo vệ chống lại vi rút mpox, được chụp tại trung tâm tiêm chủng thành phố Edison ở Paris, Pháp

 

Đến tháng này WHO mới có thể chính thức khởi động quy trình cung cấp vắc-xin cho các quốc gia Châu Phi, mặc dù căn bệnh này đã hoành hành ở khu vực này trong nhiều thập kỷ. Tổ chức này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 14/8 sau khi biến thể mới bắt đầu lây lan từ Cộng hòa Dân chủ Congo sang các nước lân cận.

Quá trình phê duyệt vắc-xin chậm chạp đã buộc các chính phủ Châu Phi và Africa CDC (Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Châu Phi) phải kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia giàu có. Nếu các quốc gia tài trợ quyết định giữ lại vắc-xin cho nhu cầu trong nước, quá trình này có thể đổ vỡ, như đã từng xảy ra trước đây.

Helen Rees, thành viên Ủy ban khẩn cấp mpox của Africa CDC, cho biết: "Thật vô lý khi Châu Phi một lần nữa bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận vắc-xin, sau những khó khăn đã trải qua trong đại dịch Covid-19." Africa CDC dự báo cần khoảng 10 triệu liều vắc-xin trên khắp Châu Phi để ứng phó với dịch bệnh.

WHO hiện đang kêu gọi các quốc gia quyên góp vắc-xin cho Châu Phi trong khi chờ quá trình phê duyệt khẩn cấp hoàn tất vào tháng 9. Tuy nhiên, WHO cho biết họ chưa có đủ dữ liệu cần thiết để phê duyệt vắc-xin và chỉ có thể tiến hành sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Theo Euronews, New York Times

 

Ý kiến bạn đọc