Vượt Mỹ và một loạt siêu cường, quốc gia nhỏ bé đứng số 1 thế giới về đổi mới sáng tạo
(Thị trường tài chính) - Nhiều quốc gia châu Á đang vượt qua Mỹ và Trung Quốc trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu, dù tiến trình đổi mới toàn cầu đang chững lại.
Ai là nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo? Nhiều người có thể nghĩ ngay đến Mỹ, một số khác có thể cho rằng đó là Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố, Mỹ chỉ đứng thứ ba, trong khi Trung Quốc xếp hạng 11.
Theo báo cáo, Thụy Sĩ tiếp tục giữ vị trí số 1 về đổi mới sáng tạo, bỏ xa các cường quốc công nghệ như Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, Mỹ chỉ xếp thứ 3, trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 11 trong tổng số 133 quốc gia được đánh giá.
Chỉ số này đo lường toàn diện năng lực đổi mới của các quốc gia, từ "đầu ra" như bằng sáng chế, ấn phẩm khoa học, xuất khẩu công nghệ cao, đến "đầu vào" như chi tiêu nghiên cứu phát triển (R&D), số lượng kỹ sư tốt nghiệp và đầu tư mạo hiểm.
Chỉ số này cũng đánh giá mức độ áp dụng, sử dụng và sản xuất công nghệ của mỗi quốc gia. Những nước nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghệ cao và đầu tư mạnh vào sở hữu trí tuệ từ nước ngoài sẽ có thứ hạng cao hơn.
Một số tiêu chí không phổ biến khác cũng được tính đến, như số lượng phim truyện được sản xuất hay số cải tiến trên các dự án phần mềm cộng tác qua GitHub - nền tảng chia sẻ dữ liệu và mã nguồn phổ biến.
Đáng chú ý, các quốc gia có quy mô nhỏ nhưng phát triển mạnh như Thụy Sĩ lại vượt trội so với các nền kinh tế lớn. Đất nước Thụy Sĩ, nơi được mệnh danh là trái tim của Châu Âu, là một quốc gia nhỏ bé với diện tích 41.000 km2, dân số khoảng 8 triệu người. Năm 2022 Thụy Sĩ chỉ nộp 5.430 đơn sáng chế quốc tế, ít hơn 10%, so với Mỹ. Tuy nhiên, khi tính theo tỷ lệ quy mô dân số và GDP, Thụy Sĩ vẫn đứng đầu về chỉ số này.
Dù đóng góp chung vào tiến bộ khoa học nhân loại của Thụy Sĩ có thể nhỏ hơn Mỹ, nhưng xét về hiệu quả, Thụy Sĩ là quốc gia đổi mới mạnh mẽ hơn.
Tương tự, Ấn Độ - quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp, đã gây bất ngờ khi xếp thứ 39, vượt xa kỳ vọng. Trong khi đó, Trung Quốc, dù chỉ ở nhóm thu nhập trung bình, cũng tạo bất ngờ khi xếp thứ 11, gấp đôi vị trí dự kiến ở mức 60.
BXH cũng cho thấy những nước tăng hạng nhanh nhất trên bảng xếp hạng đổi mới toàn cầu trong 5 năm qua gồm Indonesia, Mauritius, Saudi Arabia, Qatar, Brazil và Pakistan. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, tiến trình đổi mới đang có dấu hiệu chững lại.
Sau giai đoạn 2020-2022 với sự bùng nổ về sáng tạo, thế giới giờ đây đang chứng kiến sự giảm sút đáng kể. Năm 2023, số lượng ấn phẩm khoa học toàn cầu giảm 5%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2009, số đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế giảm. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn tăng 6% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 10-13% giai đoạn 2019-2021. Các thỏa thuận đầu tư mạo hiểm giảm 9,5%, và tổng giá trị của chúng giảm mạnh 39% so với năm trước.
Thậm chí ở Trung Quốc, quốc gia vừa tăng 1 bậc trong BXH, hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng suy giảm nặng nề. Đầu năm 2023, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải lên tiếng quan ngại về sự sụt giảm số lượng các "kỳ lân" - công ty khởi nghiệp chưa niêm yết có giá trị trên 1 tỷ USD.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã đề xuất cho phép các ngân hàng quốc doanh tham gia đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, việc những "gã khổng lồ" ngân hàng này có thể thành công trong lĩnh vực này vẫn là một dấu hỏi lớn, bởi họ không có thế mạnh về công nghệ và tinh thần đổi mới.
Theo Economist