Trung Quốc và Mỹ chạy đua xây siêu dự án đường sắt hàng chục tỷ USD nối liền 2 đại dương
(Thị trường tài chính) - Cạnh tranh hạ tầng tại châu Phi thông qua các dự án lớn như Hành lang Lobito và Tazara cho thấy tham vọng kiểm soát tuyến vận chuyển chiến lược và củng cố vị thế trên toàn cầu của cả Mỹ và Trung Quốc.
Hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang dồn lực tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi thông qua các dự án hạ tầng chiến lược, nhằm tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào và tăng cường vị thế an ninh tại khu vực.
Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã chiếm ưu thế khi tài trợ phần lớn các công trình hạ tầng trọng điểm tại Angola, từ đường sắt, cao tốc đến cảng biển và nhà máy thủy điện, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tuy vậy, các chiến lược gia Bắc Kinh đã bắt đầu hiện diện tại quốc gia này từ năm 2002, khi được cựu Tổng thống Jose Eduardo dos Santos mời gọi đầu tư sau cuộc nội chiến 27 năm để tái thiết đất nước.
Để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, Washington đang đặt cược vào dự án đường sắt xuyên lục địa - còn gọi là Hành lang Lobito - kết nối 2 bờ Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, đi qua 3 nước vùng Trung Phi là Angola, CHDC Congo (DRC) và Zambia.
Theo IMF, khu vực cận Sahara đang nắm giữ 30% trữ lượng khoáng sản quan trọng đã được xác nhận của thế giới. Điều này khiến cả hai cường quốc đều nhắm đến việc kiểm soát tuyến đường vận chuyển chiến lược này.
"Một Hành lang Lobito được tái thiết sẽ giúp Mỹ và châu Âu tiếp cận tốt hơn nguồn khoáng sản quan trọng", TS. Austin Strange thuộc Đại học Hong Kong nhận định. Theo ông, giới lãnh đạo Washington đang ngày càng lo ngại về thị phần áp đảo của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản tại các nước đang phát triển như DRC.
Theo thông tin chính thức từ Ủy ban châu Âu (EC), hành lang Lobito đã được xác định là dự án trọng điểm trong khuôn khổ Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII) của G7, theo Tuyên bố chung EU-Mỹ bên lề Hội nghị G20 tại Ấn Độ hồi tháng 9/2023.
EU và Mỹ đang đồng chủ trì cùng Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) và Tổng công ty Tài chính Châu Phi (AFC) để phát triển Hành lang này với các hạng mục đầu tư toàn diện, bao gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại và quá cảnh, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, năng lượng, vận tải - logistics, cùng đào tạo nghề dọc hành lang tại Angola, CHDC Congo và Zambia.
Đến nay, hàng tỷ USD đang được khối G7 tài trợ để cải tạo tuyến đường sắt Benguela dài 1.344km nối với miền nam DRC, đồng thời xây mới đoạn 800km qua tây bắc Zambia, hoàn thiện Hành lang Lobito.
“Chạy đua trên hành lang hẹp”
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) vừa cam kết 250 triệu USD để nâng cấp tuyến Benguela tại CHDC Congo, đồng thời dự kiến rót một khoản tương tự xây dựng tuyến đường sắt nối Zambia - quốc gia giàu mỏ đồng - với Ấn Độ Dương.
Khoản đầu tư này nằm trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu trị giá 600 tỷ USD giữa Mỹ và G7, nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ trong vòng 18 tháng kể từ cam kết của Tổng thống Biden, quan hệ đối tác này đã giải ngân hơn 3 tỷ USD cho Angola, CHDC Congo và Zambia.
Cả Mỹ và EU đang nhắm đến việc bảo đảm nguồn cung khoáng sản chiến lược từ các quốc gia này, đặc biệt là CHDC Congo - nhà cung cấp coban lớn nhất thế giới. Hiện phần lớn coban được xuất sang Trung Quốc - nước dẫn đầu về sản xuất xe điện và năng lượng xanh.
"Mỹ đang rất muốn củng cố vị thế tại khu vực này khi Trung Quốc đã có lợi thế đáng kể trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng", GS. Carlos Lopes thuộc Đại học Cape Town nhận định. Theo ông, việc tập trung vào Hành lang Lobito thể hiện nỗ lực giảm thiểu sự thống trị về hậu cần của Trung Quốc.
Dự kiến Tổng thống Biden sẽ thăm Luanda vào đầu tháng 12 - chuyến công du châu Phi đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2021 và cũng là cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Ronak Gopaldas, Giám đốc Signal Risk, cho rằng chuyến thăm là nỗ lực duy trì vị thế tại Lục địa đen trong bối cảnh cạnh tranh thương mại đang bị đẩy lên cao giữa Washington và Bắc Kinh.
Gần đây, Tanzania đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ mở rộng hành lang này đến các mỏ niken trong nước, hướng tới xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa đầu tiên nối đông - tây châu Phi. TechMet - công ty có DFC là cổ đông chính - cũng đang hợp tác với Lifezone Metals tại Tanzania xây dựng nhà máy chế biến niken, dự kiến cung cấp niken cấp pin cho thị trường toàn cầu từ năm 2026.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây về ngành xe điện, khi Mỹ và EU áp thuế cao đối với xe điện Trung Quốc do lo ngại tình trạng dư thừa công suất.
Trọng điểm chiến lược
"Mỹ và EU đặt nhiều kỳ vọng vào Hành lang Lobito, hy vọng có thể cung cấp cho các quốc gia châu Phi một sự lựa chọn hấp dẫn hơn nguồn tài trợ hạ tầng từ Trung Quốc", ông W. Gyude Moore, cựu Bộ trưởng Công trình công cộng Liberia, hiện là nghiên cứu viên tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Washington) nhận định.
Theo ông, dự án này không chỉ kết nối khu vực giàu khoáng sản với chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn thể hiện quyết tâm của phương Tây trong lĩnh vực tài chính hạ tầng.
Tuy nhiên, vai trò của Trung Quốc vẫn không thể xem nhẹ với khoản tài trợ khổng lồ phục hồi nhiều đoạn đường sắt Benguela. Bên cạnh đó, China Communications Construction còn nắm 32,4% cổ phần tại Mota-Engil - thành viên liên doanh vận hành dịch vụ đường sắt và hậu cần trong 30 năm từ 2022, theo PGS. Dominik Kopinski thuộc Đại học Wroclaw (Ba Lan).
Song song với Hành lang Lobito, Trung Quốc cũng đang đầu tư 1 tỷ USD nâng cấp tuyến đường sắt Tanzania-Zambia (Tazara). China Civil Engineering Construction sẽ vận hành tuyến đường này trong 30 năm trước khi bàn giao cho Tanzania và Zambia. Tuyến đường Tazara có thể giao cắt với hành lang Lobito, tạo thành hành lang xuyên lục địa.
Bà Sun Yun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Washington), cho rằng sự cạnh tranh này mang lại lợi ích cho châu Phi khi tạo thêm lựa chọn và buộc các cường quốc phải cải thiện cách ứng xử.
Các chuyên gia cho rằng việc kết nối Tazara với Lobito sẽ hiệu quả hơn về mặt kinh tế thay vì xây mới tuyến đường sắt đến cảng Dar es Salaam. GS. Zha Daojiong từ Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh: "Không có cơ sở nào để xem Hành lang Lobito là 'của phương Tây', khi trong 120 năm qua, cả phương Tây và Trung Quốc đều đã đầu tư vào tuyến đường này".
Theo dữ liệu từ Đại học Boston, riêng Angola đã nhận 46 tỷ USD trong tổng số 182,3 tỷ USD mà Trung Quốc cho các nước châu Phi vay từ 2002-2023. TS. Austin Strange nhận định, nếu Mỹ không đẩy nhanh tiến độ cùng chương trình hành động có hệ thống hơn, thì chỉ 1 dự án đơn lẻ khó có thể sánh với sự hiện diện sâu rộng của Trung Quốc tại các quốc gia dọc hành lang các tuyến đường trọng yếu tại lục địa đen.
Theo Foreign Policy, SCMP