Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng ra sao sau mỗi lần Fed hạ lãi suất trong 5 thập kỷ qua?
(Thị trường tài chính) - Thống kê dưới đây thể hiện diễn biến của chỉ số S&P 500 tại các mốc 3 tháng, 6 tháng và 1 năm kể từ khi Fed hạ lãi suất lần đầu tiên trong mỗi chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Mới đây, sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn sự suy yếu của thị trường lao động. Theo đó, Fed đã quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa phạm vi lãi suất xuống 4,75%-5%.
Lãi suất này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vay ngắn hạn của ngân hàng, mà còn tác động tới nhiều sản phẩm tiêu dùng như lãi suất vay thế chấp, vay mua xe và thẻ tín dụng.
Trong 50 năm qua, sau những lần Fed hạ lãi suất thì thị trường chứng khoán Mỹ cũng có sự điều chỉnh.
Thống kê dưới đây thể hiện diễn biến của chỉ số S&P 500 tại các mốc 3 tháng, 6 tháng và 1 năm kể từ khi Fed hạ lãi suất lần đầu tiên trong mỗi chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Nó dựa trên dữ liệu từ năm 1973 của PinPoint Macro Analytics.
Trung bình 5 thập kỷ qua, S&P 500 thường tăng 4,9% vào 1 năm sau lần hạ lãi suất đầu tiên. Sau 1 năm, mức tăng trưởng dương được ghi nhận trong gần 70% các trường hợp.
3 tháng sau lần hạ lãi suất đầu tiên, thị trường có xu hướng giảm, nhưng sau đó phục hồi vào mốc 6 tháng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn có thay đổi đáng kể. Ví dụ, S&P 500 ghi nhận tăng trưởng âm ở mức hai con số sau lần hạ lãi suất đầu tiên vào các năm 1973, 1981, 2001 và 2007. Nhưng chỉ số này cũng đã tăng 36,5% - một năm sau lần hạ lãi suất đầu tiên năm 1982.
Trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây nhất với lần hạ lãi suất đầu tiên diễn ra vào năm 2019, S&P đã tăng 14,5% một năm sau đó. Vì vậy, việc Fed cắt giảm lãi suất không phản ánh bức tranh toàn cảnh.