HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Siêu cường châu Á đối mặt khủng hoảng thừa, số doanh nghiệp phá sản tăng vọt

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Nhiều quốc gia lo ngại doanh nghiệp trong nước của họ sẽ bị làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc đè bẹp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước này hiện cũng phải đối mặt với những vấn đề lớn của riêng họ.

Hengchi là công ty sản xuất xe điện thuộc sở hữu của Evergrande, một tập đoàn bất động sản đã phá sản. Vào ngày 5/8, hãng xe này thông báo với các nhà đầu tư rằng 2 công ty con của họ bị buộc phải phá sản. 

Ban đầu, Hengchi đặt mục tiêu bán 1 triệu xe điện/năm đến năm 2025 nhưng do cạnh tranh gay gắt, họ chỉ bán được 1.389 chiếc vào năm ngoái.

Tình trạng dư thừa sản xuất công nghiệp không chỉ giới hạn ở ngành xe điện. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tiết lộ, khoảng 30% công ty thuộc ngành công nghiệp ghi nhận thua lỗ vào cuối tháng 6, vượt mức đỉnh được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Cuộc khảo sát với hơn 500.000 công ty cho thấy số lượng doanh nghiệp thua lỗ tăng vọt tới 44%.

Siêu cường châu Á đối mặt khủng hoảng thừa, số doanh nghiệp phá sản tăng vọt - ảnh 1 Làn sóng phá sản lan rộng trong ngành sản xuất Trung Quốc. Ảnh: Getty Images 

 

Sau 1 thập kỷ phát triển vượt bậc, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện và pin lithium-ion. Nhưng nền kinh tế nước này đang suy yếu và tiêu dùng giảm sút. Doanh số bán ô tô nội địa đã giảm trong những tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước.

Theo dữ liệu công bố ngày 7/8, xuất khẩu trong tháng 7 thấp hơn kỳ vọng. Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khiến họ khó có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

The Economist đã xem xét 3 ngành công nghiệp được Trung Quốc chú trọng nhất là xe điện, mô-đun năng lượng mặt trời và chất bán dẫn. Bức tranh kinh tế nhìn qua lăng kính của 3 ngành được cho là khá ảm đạm.

Ngành xe điện

Ít nhất 8 nhà sản xuất ô tô lớn đã đóng cửa hoặc tạm dừng sản xuất kể từ đầu năm 2023. Có thể thấy rõ những gợn sóng này có thể thấy rõ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. 

Vào đầu năm nay, nhà cung cấp phụ tùng ô tô Qingdao Hi-Tech Moulds cảnh báo rằng việc nhà sản xuất ô tô HiPhi dừng hoạt động có thể khiến lợi nhuận ròng của họ lao dốc tới 60%.

Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngành ô tô SAIC Anji Logistics gần đây đã phá sản. Họ cho rằng nguyên nhân là do công ty xe điện Aiways, khách hàng chính của họ, đã không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán vì cũng đang gặp khó khăn.

Thêm vào đó, Levdeo - một nhà sản xuất ô tô khác - đã để lại khoản nợ 4 tỷ NDT (550 triệu USD) cho các nhà cung cấp, đại lý và ngân hàng sau khi tuyên bố phá sản.

Ước tính khoảng 52.000 công ty liên quan đến xe điện đã đóng cửa tại Trung Quốc vào năm ngoái, tăng gần 90% so với năm 2022.

Siêu cường châu Á đối mặt khủng hoảng thừa, số doanh nghiệp phá sản tăng vọt - ảnh 2Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng. Ảnh; The Economist 

 

Lĩnh vực mô-đun năng lượng mặt trời

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng vật lộn với tình trạng cung vượt cầu. Năm nay, giá của hầu hết các thành phần trong mô-đun năng lượng mặt trời đều giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất trung bình.

Nhiều công ty trong ngành ngày càng thu hẹp quy mô sản xuất trong khi những công ty khác hủy bỏ kế hoạch thâm nhập thị trường. Nhà sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời Haitai Solar dự kiến giá sản phẩm sẽ giảm hơn nữa.

Nhà phân tích Alicia García Herrero từ ngân hàng đầu tư Natixis nhận xét, các nhà cung cấp quy mô nhỏ hơn phải chịu áp lực lớn nhất khi lợi nhuận biến mất.

Ngành bán dẫn 

Một cuộc sàng lọc khác đang diễn ra trong ngành bán dẫn. Một chuyên gia trong ngành bình luận, chính quyền địa phương đã quá tập trung đầu tư vào các linh kiện chip cấp thấp trong nỗ lực giành thị phần.

Điều này không may dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và khiến nhiều công ty sản xuất chúng sụp đổ. Công ty thu thập dữ liệu doanh nghiệp Qichacha chỉ ra, gần 11.000 công ty liên quan đến chip đã phá sản vào năm 2023 - trung bình khoảng 30 công ty/ngày.

Siêu cường châu Á đối mặt khủng hoảng thừa, số doanh nghiệp phá sản tăng vọt - ảnh 3Hàng loạt nhà sản xuất công nghiệp không đủ sức cạnh tranh bị thua lỗ và phá sản. Ảnh: The Economist 

 

Thanh lọc trong thị trường 

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nhận thấy áp lực mà các nhà sản xuất trong nước đang phải chịu. Tham vọng của quốc gia này là tạo ra những “nhà vô địch” công nghệ cao trong một số ngành công nghiệp để có thể thống trị thị trường toàn cầu và thoát khỏi sự phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ nước ngoài.

Sự hỗ trợ của Nhà nước cho mục tiêu này thường thông qua các chính quyền địa phương, nhưng việc chi tiêu không hiệu quả đã khiến hàng loạt nhà cung cấp nhỏ không có khả năng cạnh tranh.

Không chỉ vậy, khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương càng khiến việc giải cứu các công ty công nghiệp trở nên khó khăn hơn. Các cấp địa phương hiện đang nợ khoảng 60 nghìn tỷ NDT và nhiều nơi bị yêu cầu hạn chế chi tiêu.

Sự sụp đổ của Aikang, một công ty năng lượng mặt trời lớn ở tỉnh Chiết Giang, đã trở thành mối lo ngại bởi đây là một trong những khoản đầu tư lớn của chính quyền địa phương.

Trong cuộc họp tháng 7, Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh thị trường phải thanh lọc những nhà sản xuất yếu kém và thúc đẩy những doanh nghiệp sản xuất mạnh mẽ. Theo thời gian, vốn và lao động sẽ được phân bổ nhiều hơn cho các công ty năng suất nhất và giúp họ phát triển hơn. 

Nhà nước dần chuyển sang khuyến khích hợp nhất nhưng điều này được cho là sẽ không hề dễ dàng. Thay vào đó, hầu hết doanh nghiệp trong các lĩnh vực có nguồn cung vượt cầu lại muốn tìm cách cắt giảm công suất hơn.

Cosimo Ries của công ty tư vấn Trivium dự đoán sẽ không có nhiều thương vụ mua lại trong ngành năng lượng mặt trời.

Các hãng xe điện lớn sẽ không mua các thương hiệu yếu kém hơn vì không muốn gánh thêm trách nhiệm đối với khách hàng lâu năm khi họ không còn nhận được các bản cập nhật phần mềm cần thiết để duy trì hoạt động của ô tô.

Theo The Economist