Samsung có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy bán dẫn vì 30.000 công nhân đình công
Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) tại Hàn Quốc đã bất ngờ tuyên bố kéo dài cuộc đình công "vô thời hạn" vào ngày 10/7, gây áp lực lên hoạt động sản xuất của gã khổng lồ công nghệ này, đặc biệt là tại các nhà máy bán dẫn.
Cuộc đình công lãnh đạo bởi Liên đoàn Công nhân Samsung Electronics (NSEU) ban đầu dự kiến kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 8/7, với sự tham gia của hơn 30.000 công nhân.
Tuy nhiên, NSEU đã quyết định leo thang hành động sau khi cho rằng công ty không sẵn sàng đàm phán. "Bạn phải chịu đựng đến cùng. Bây giờ phải kết thúc việc này hoặc không bao giờ", ông Son Woo-mok, Chủ tịch công đoàn, tuyên bố trong một video trên kênh YouTube của NSEU.
Đây là cuộc bãi công chính thức đầu tiên tại Samsung Electronics kể từ khi công ty được thành lập vào năm 1969, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ lao động của tập đoàn.
Động thái kéo dài cuộc đình công đến “vô hạn định” làm gia tăng căng thẳng đã diễn ra trong nhiều tháng, khiến hàng nghìn thành viên công đoàn tụ tập trước văn phòng công ty tại Hwaseong, phía nam Seoul, vào tuần này.
Các yêu cầu chính của công đoàn bao gồm tăng lương cơ bản, cải thiện hệ thống Khuyến khích hiệu suất chung (OPI), yêu cầu cban lãnh đạo công ty thực hiện lời hứa về chế độ nghỉ phép có lương và bồi thường cho các thành viên công đoàn về những tổn thất kinh tế phát sinh trong các cuộc đình công không lương.
Nguy cơ đóng cửa các nhà máy bán dẫn
NSEU hiện có hơn 30.000 thành viên, chiếm 24,7% tổng số lực lượng lao động toàn công ty, với hầu hết các thành viên đến từ bộ phận Giải pháp thiết bị (DS).
Các nhà phân tích ban đầu dự đoán rằng một cuộc đình công ngắn hạn sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất, do phần lớn dây chuyền sản xuất chất bán dẫn đã được tự động hóa.
Phía Samsung cũng khẳng định đã có biện pháp đảm bảo sự ổn định của dây chuyền sản xuất bằng cách thay thế nhân sự.
Tuy nhiên, với thời gian đình công kéo dài, tác động đến các nhà máy bán dẫn - vốn hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày - có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn. NSEU cho biết họ đã ghi nhận được những tác động cụ thể đến các dây chuyền sản xuất, dù chưa thể xác định mức độ thiệt hại.
Đáng chú ý, một số lượng lớn công nhân sản xuất chất bán dẫn đã tham gia cuộc đình công. Điều này có thể ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất chip cho điện thoại thông minh mà còn cả phần cứng quân sự.
Với thời gian đình công đã kéo dài hơn dự kiến, các nhà máy bán dẫn của gã khổng lồ ngành chip châu Á đang đứng trước nguy cơ không có đủ nhân lực vận hành. Phía công đoàn Samsung tuyên bố thêm rằng họ đã xác nhận tác động đến các dây chuyền sản xuất, mặc dù vẫn chưa biết liệu có tổn thất đáng kể hay không.
Tập đoàn Samsung đóng vai trò then chốt trong chiến lược của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Minh chứng cho điều này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chọn thăm nhà máy bán dẫn Samsung ở Pyeongtaek làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Hàn Quốc năm 2022.
Mặc dù vậy, thị trường dường như chưa phản ứng mạnh trước tình hình này. Cổ phiếu Samsung kết thúc tuần giao dịch đi ngang, tương đồng với diễn biến của chỉ số chứng khoán Kospi.
Đáng nói, cuộc đình công leo thang chỉ vài giờ trước khi Samsung tổ chức sự kiện Galaxy Unpacked tại Paris. Sự kiện này nhằm giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới nhất và quảng bá thương hiệu, đặc biệt là trước thềm Thế vận hội Olympic sắp diễn ra tại Pháp vào cuối tháng này.