Quốc gia châu Á lo sợ tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bị 'dập tắt' bởi đồng tiền chung BRICS
(Thị trường tài chính) - Ấn Độ không có “hứng thú” làm suy yếu đồng USD bởi Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Thành viên chủ chốt của BRICS, Ấn Độ, vẫn tỏ ra hoài nghi về ý tưởng đồng tiền chung BRICS và cho rằng điều này tiềm ẩn nguy cơ làm suy yếu các mối quan hệ thương mại toàn cầu với Mỹ, theo Watcher.guru.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng đầu tại Ấn Độ và những doanh nghiệp hoạt động tại Mỹ đều muốn duy trì vai trò của đồng bạc xanh. Họ lo ngại rằng việc áp dụng một đồng tiền chung có thể gây rối loạn dòng chảy thương mại hiện tại.
Được biết, một số quốc gia BRICS đang hướng tới việc xây dựng một đồng tiền chung mới cho các giao dịch thương mại, một phần trong kế hoạch phi USD hóa. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy ý tưởng này chủ yếu đến từ Trung Quốc và Nga.
Các doanh nghiệp Ấn Độ phụ thuộc vào đồng USD vì đồng tiền này mang lại sự ổn định trong những thời điểm kinh tế bất ổn. Mặt khác, Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ thông qua các lĩnh vực như công nghệ thông tin, ngân hàng và thương mại.
Đồng bạc xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ GDP đang tăng trưởng của Ấn Độ, đặc biệt khi đồng rupee liên tục mất giá. Việc áp dụng đồng tiền chung BRICS có thể làm tổn hại đến tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới của Ấn Độ.
Được biết, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2023 vào khoảng 2.484 USD - tương đối thấp và cũng thấp hơn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.346 USD.
Mới đây, phát biểu tại Diễn đàn Doha lần thứ 22 được tổ chức ở thủ đô của Qatar, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar khẳng định nước này đã xây dựng được mối quan hệ tích cực với Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.
Theo đó, Ấn Độ không có “hứng thú” làm suy yếu đồng USD bởi Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Ông Jaishankar cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa bao giờ ủng hộ việc phi USD hóa. Hiện tại, không có đề xuất nào về việc có một loại tiền tệ BRICS”.