3 cổ phiếu chứng khoán rơi về vùng đáy 1 năm trong ngày VN-Index đỏ lửa
(Thị trường tài chính) - Kết phiên đầu tuần, VN-Index giảm hơn 8 điểm cùng với sắc đỏ lan rộng trên bảng điện, nhóm cổ phiếu chứng khoán gặp áp lực bán mạnh.
Kết phiên 6/1, VN-Index giảm 8,2 điểm (-0,7%) xuống mức 1.246,4 điểm. Sắc đỏ áp đảo trên toàn thị trường khi có tới 501 mã giảm so với 177 mã tăng. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 515 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 12.100 tỷ đồng.
Trong phiên, ngành chứng khoán ghi nhận tín hiệu kém sắc nhất khi giảm hơn 2,2%, tương ứng khoảng 1.288 tỷ đồng “bốc hơi” khỏi thị trường. Trong đó, một số mã giảm mạnh có thể kể đến như VDS (-5,8%), BMS (-4,6%), AAS (-4,4%), EVS (-3,6%). Đáng chú ý, 3 cổ phiếu APG (-6,9%), DSC (-3,3%) và VND (-3,2%) đã đồng loạt thủng đáy năm.
Đối với APG, cổ phiếu của công ty chứng khoán này đã giảm hơn 60% giá trị so với thời điểm tháng 3/2024 và gần như mất thanh khoản.
Mã cổ phiếu này ghi nhận đà lao dốc trong thời gian gần đây sau khi doanh nghiệp thông qua quyết định đóng cửa chi nhánh TP. HCM và phòng giao dịch tại 132 Mai Hắc Đế, Hà Nội, nhằm thực hiện kế hoạch tái cấu trúc công ty trong tháng 12/2024. Sau quyết định này, APG chỉ còn duy trì hoạt động tại trụ sở chính ở tầng 5, tòa nhà Grand Building, 32 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Về kết quả kinh doanh, APG ghi nhận khoản lỗ lớn nhất trong hệ thống chứng khoán quý III/2024, với mức lỗ 148 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ chênh lệch giảm giá đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến, đạt 160 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ hơn 98 tỷ đồng, cách xa mục tiêu có lãi 191 tỷ đồng được đề ra cho cả năm.
Đối với mã VND của VNDirect, cổ phiếu này đã giảm khoảng 23% sau khi công bố BCTC quý III/2024 không mấy khả quan. Theo đánh giá của chuyên gia, VNDirect đang đối mặt với nguy cơ đánh mất thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán. Đến hết quý III/2024, thị phần môi giới trên sàn HoSE của VNDirect giảm còn 5,7%, tụt xuống vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng - đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Về tình hình kinh doanh, VNDirect ghi nhận kết quả quý III/2024 với doanh thu đạt 1.270 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, giảm 22%. Nguyên nhân chính là do công ty chịu tác động kép từ biến động thị trường chứng khoán cũng như dư âm từ một sự cố lớn hồi tháng 3.
Với mã DSC, sau khi được niêm yết trên HoSE vào tháng 10/2024, cổ phiếu này đã giảm một mạch gần 34% xuống còn 16.100 đồng/cp, vốn hóa theo đó chỉ còn 3.451 tỷ đồng.
Trái ngược với diễn biến thị trường, trong quý III/2024, DSC ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 19% so với cùng kỳ lên 147 tỷ đồng. Nhờ chi phí giảm mạnh, DSC lãi trước thuế tăng 83% so với cùng kỳ năm trước lên 90 tỷ đồng. So với quý liền trước, con số lợi nhuận cao gấp gần 4 lần và cũng là mức lãi cao nhất lịch sử.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động tăng 24% lên 393 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lãi trước thuế tăng 58% lên 188 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 151 tỷ đồng.