Ông Trump đòi lấy lại kênh đào, Tổng thống Panama đáp trả gay gắt
(Thị trường tài chính) - Ông khẳng định mức phí qua kênh đào không quá cao và nhấn mạnh việc quản lý kênh đào hoàn toàn do Panama kiểm soát, không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc hay Mỹ.
Tổng thống Panama, José Rául Mulino, mới đây đã lên tiếng bác bỏ lời đe dọa của ông Trump về khả năng Mỹ tái áp đặt quyền kiểm soát đối với kênh đào Panama.
Ông Mulino khẳng định phí vận chuyển qua kênh không bị "thổi phồng" và chủ quyền của quốc gia này đối với kênh đào là không thể thương lượng.
"Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ luôn như vậy", ông Mulino tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X vào ngày 22/12.
“Panama tôn trọng các quốc gia khác và yêu cầu sự tôn trọng tương tự. Kênh đào sẽ mãi thuộc về Panama, như một di sản bất khả xâm phạm của quốc gia chúng tôi”, ông nói.
Tổng thống Panama cũng nhấn mạnh Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đối với việc điều hành con kênh đào, đồng thời giải thích mức phí đối với tàu bè đi qua kênh đào là hợp lý và được thiết lập minh bạch dựa trên chi phí vận hành lẫn điều kiện thị trường.
Trước đó, trên mạng xã hội Truth Social hôm 21/12, ông Trump cáo buộc Panama đang tính phí quá cao cho việc sử dụng kênh đào. Ông cảnh báo, Mỹ sẽ lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama nếu giới chức nước này không cắt giảm chi phí đối với tàu Mỹ sử dụng tuyến đường này.
“Mức phí mà Panama đưa ra thật nực cười, nhất là khi xét đến sự hào phóng mà Mỹ đã dành cho Panama. Đây hoàn toàn là một sự ‘chặt chém’ đối với đất nước của chúng ta và phải được chấm dứt ngay lập tức”, ông Trump viết.
Sau lời đáp trả của Tổng thống Mulino, ông Trump phản hồi trên nền tảng của mình rằng: "Chúng tôi sẽ chờ xem!".
Cũng trong hôm 22/12, Tổng thống Mỹ đắc cử tiếp tục khẳng định trên mạng xã hội rằng kênh đào đang "rơi vào tay kẻ xấu", cảnh báo về khả năng Trung Quốc gây ảnh hưởng đến tuyến đường thủy quốc tế huyết mạch này.
Trung Quốc hiện là khách hàng lớn thứ 2 của kênh đào chỉ sau Mỹ. Một công ty Trung Quốc – thuộc tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông – đang sở hữu 2 trong số 5 cảng gần kênh đào, mỗi cảng nằm ở một bên.
Được biết Mỹ hoàn tất xây dựng kênh đào dài 82km ngang qua eo đất Trung Mỹ vào năm 1914, nhưng đã trao trả lại con kênh cho Panama vào năm 1999 theo một hiệp ước mà cựu Tổng thống Jimmy Carter ký kết vào năm 1977.
Với khoảng 14.000 lượt tàu bè đi qua mỗi năm, kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương này là một tài sản chiến lược quan trọng, đồng thời là nút thắt của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Panama gần đây đang đối mặt với hạn hán kéo dài, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển qua kênh đào.
Theo Reuters