'Ông lớn' máy ảnh Nhật Bản lao đao: CEO từ chức vì cáo buộc dùng ma túy, cổ phiếu lao dốc mạnh
(Thị trường tài chính) - Trong thông báo, Olympus cho biết công ty đã nhận được cáo buộc rằng Giám đốc điều hành của họ, công dân Đức, Stefan Kaufmann, từng mua ma túy bất hợp pháp.
Cổ phiếu của Olympus Corp - công ty máy ảnh khổng lồ của Nhật Bản đã giảm giá vào thứ Hai (28/10) sau khi công ty tuyên bố ông Stefan Kaufmann - Giám đốc điều hành (CEO) của họ từ chức vì cáo buộc liên quan đến ma túy.
Theo dữ liệu của LSEG, cổ phiếu đã giảm 5,3% trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo sau tin tức về việc CEO Stefan Kaufmann (56 tuổi) xin rút khỏi chức vụ quan trọng này. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, cổ phiếu Olympus đã tăng giá 31,9%, vượt qua mức tăng 13,3% của chỉ số Nikkei 225.
Trong thông báo, Olympus cho biết họ nhận được cáo buộc rằng công dân Đức và cũng là CEO của họ, ông Stefan Kaufmann đã mua ma túy bất hợp pháp.
Công ty có vốn hóa tới 2,5 tỷ USD cho biết: “Olympus đã tham khảo ý kiến cố vấn pháp lý bên ngoài và ngay lập tức điều tra sự việc, báo cáo với cơ quan điều tra và hợp tác toàn diện với cuộc điều tra của họ”.
“Dựa trên kết quả điều tra, Hội đồng quản trị nhất trí xác định rằng ông Stefan Kaufmann có khả năng đã có những hành vi không phù hợp với quy tắc ứng xử toàn cầu, các giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp của chúng tôi”.
Ông Stefan Kaufmann sinh ngày 24/1/1968, quốc tịch Đức, là người đã làm việc tại Olympus trong hai thập kỷ, đã tuân thủ yêu cầu từ chức của Olympus, công ty có trụ sở chính tại Haichioji, Tokyo, Nhật Bản cho biết thêm.
Vị doanh nhân nước ngoài này đã tiếp quản công ty và nỗ lực mở rộng lĩnh vực thiết bị y tế của “gã khổng lồ máy ảnh Nhật Bản” vào tháng 4 năm ngoái từ cựu CEO Yasuo Takeuchi, người đã chuyển sang vai trò Chủ tịch điều hành.
Ông Takeuchi hiện sẽ quay trở lại vị trí CEO trong khi công ty Olympus đang cân nhắc tìm người thay thế ông Kaufmann.
Các nhà lãnh đạo của Olympus đã vướng vào nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua. Năm 2011, công ty thừa nhận đã sử dụng các hoạt động kế toán gian lận để che giấu nhiều khoản lỗ đầu tư trong nhiều thập kỷ. Vụ bê bối đã được tiết lộ bởi người tố giác Michael Woodford, cựu Giám đốc điều hành của công ty và khiến một số cựu Giám đốc điều hành khác phải nhận tội về cáo buộc làm giả tài khoản.
Luật nghiêm ngặt của Nhật Bản về ma túy đã khiến sự nghiệp của một số Giám đốc điều hành nước ngoài bị đe dọa. Năm 2015, một CEO của Toyota Motor đến từ Mỹ đã từ chức sau khi bị bắt và sau đó được thả tại Nhật Bản vì nghi ngờ nhập khẩu trái phép thuốc giảm đau oxycodone (chứa chất gây nghiện).
Theo CNBC/Kyodo News/Reuters